10:01 08/07/2009

“Tăng giá xăng, dầu là bất khả kháng!”

Bảo Anh

Việc cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng dầu là một động thái bất đắc dĩ và ít nhiều cũng đã tính đến lợi ích của người tiêu dùng

"Để kiểm soát mức giá của các doanh nghiệp xăng dầu thì chúng tôi căn cứ vào 3 tiêu chí cơ bảnvà rất công khai, đó là: giá bình quân trong 20 ngày tại thị trường Singapore, tỷ giá và thuế nhập khẩu" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Để kiểm soát mức giá của các doanh nghiệp xăng dầu thì chúng tôi căn cứ vào 3 tiêu chí cơ bảnvà rất công khai, đó là: giá bình quân trong 20 ngày tại thị trường Singapore, tỷ giá và thuế nhập khẩu" - Ảnh: Từ Nguyên.
Việc cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng dầu là một động thái bất đắc dĩ và ít nhiều cũng đã tính đến lợi ích của người tiêu dùng.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), xung quanh những phản hồi về việc liên bộ Tài chính - Công Thương liên tiếp cho phép các doanh nghiệp tăng giá xăng dầu chỉ trong một thời gian ngắn.

Trả lời báo giới, ông Thỏa nói:

- Lẽ ra, liên bộ đã cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ngay sau khi giá thế giới có chiều hướng tăng lên. Song, trong bối cảnh Chính phủ đang áp dụng các giải pháp chống suy giảm kinh tế, nên chúng tôi đã lựa chọn giải pháp không tăng giá mà thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu để giữ bình ổn giá trong nước.

Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, giá xăng dầu thế giới lại liên tiếp có xu hướng tăng nhanh, buộc liên bộ phải chấp nhận đề xuất tăng giá xăng, dầu của doanh nghiệp. Cụ thể là từ tháng 4/2009 đến nay đã thực hiện 5 lần tăng giá xăng A92, 4 lần tăng giá dầu hỏa, 3 lần tăng giá dầu mazut và diesel. Và dù được điều chỉnh tăng liên tục nhưng giá xăng, dầu trong nước vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Nhưng quan trọng hơn, nếu không cho phép tăng giá trong điều kiện nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng.

Do đó, việc tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới liên tục tăng là một việc bất khả kháng, hoàn toàn không phải vì đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích người tiêu dùng.

Giá vẫn thấp hơn các nước trong khu vực

Trong tháng 6, giá dầu thế giới biến động không nhiều, nhưng tại sao liên bộ lại cho phép doanh nghiệp hai lần điều chỉnh tăng giá chỉ trong một tháng, thưa ông?

Trong tháng 6, mặc dù giá dầu thô thế giới biến động không nhiều, nhưng giá xăng, dầu thành phẩm lại biến động mạnh. Vì vậy, liên bộ Tài chính - Công Thương đã chấp thuận để doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giá hai lần vào các ngày 10/6 và 1/7 vừa qua.

Ở hai lần tăng trên, khi đó giá xăng dầu thành phẩm của thế giới đã tăng mạnh tương ứng là 20,3% và 24,4% so với giá bình quân của thời gian trước đó, trong khi giá dầu thô chỉ tăng khoảng 12%. Sau khi tính toán, chúng tôi đã chấp thuận cho phép tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước từ 1.000 đồng/lít đến 1.900 đồng/lít (ngày 10/6) và từ 500 đồng/lít - 1.000 đồng/lít (ngày 1/7), tùy từng chủng loại và từng doanh nghiệp.

Với mức tăng vào ngày 10/6 thì doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi từ xăng, còn dầu diesel và dầu mazut thì vẫn lỗ hoặc hòa vốn. Còn ở lần tăng ngày 1/7, mặc dù đã tăng lên 700 đồng/lít nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về xăng và dầu hỏa.

Nhưng tôi xin nhắc lại rằng, dù đã điều chỉnh 5 lần từ đầu năm đến nay nhưng giá xăng, dầu trong nước mới ở ngưỡng gần xấp xỉ so với Trung Quốc và thấp hơn một số nước trong khu vực từ 924 đồng đến 6.473 đồng mỗi lít. Hiện xăng A92 của Việt Nam có giá 14.200 đồng, trong khi ở Singapore giá trên 20.672 đồng, Thái Lan 14.906 đồng, Lào 16.686 đồng và Campuchia 15.376 đồng và ở Mỹ là khoảng 1 USD/lít.

Tại sao trong các lần tăng giá, Bộ Tài chính chỉ viện dẫn giá của những nước cao hơn mà không đưa ra những nước có giá bán lẻ xăng, dầu thấp hơn Việt Nam?

Thực ra thì chúng tôi cũng có nắm được giá của một số nước thấp hơn Việt Nam, chẳng hạn như Indonesia, Ấn Độ… nhưng các nước này lại đang áp dụng chính sách bù giá nên chúng tôi cũng không muốn nêu ra để so sánh.

Tăng quá 500 đồng vì chưa có quỹ bình ổn

Tại sao các lần tăng giá gần đây lại vượt gấp đôi so với quy định của Bộ là không được tăng quá 500 đồng/lít cho mỗi lần tăng, thưa ông?

Đúng vậy, nhưng khi đó là chúng tôi quy định tăng không quá 500 đồng/lít là trong điều kiện giá thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và trong điều kiện điều hành giá gắn liền với hoạt động của qũy bình ổn giá.

Có nghĩa là khi quỹ bình ổn giá đã có số dư lớn, giá thị trường thế giới biến động tăng làm cho giá vốn bán lẻ tăng vượt quá 500 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá 500 đồng/lít, phần tăng vượt trên 500 đồng/lít sẽ được trích quỹ bình ổn giá để bù đắp.

Nhưng hiện nay thì quỹ này vẫn chưa hoạt động được nên buộc phải cho phép tăng quá 500 đồng/lít.

Hơn nữa, trước thời điểm chúng tôi chấp thuận để các doanh nghiệp tăng giá 1.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp đã 3 lần xin tăng giá nhưng chúng tôi vẫn chưa chấp thuận mà lại sử dụng các công cụ tài chính.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc tăng giá trên 500 đồng/lít cũng không có gì trái với  Nghị đinh 55/CP về việc thực hiện áp giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, bởi Nghị định cho phép áp dụng nguyên tắc giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, do doanh nghiệp tự quyết đinh…

Tuy nhiên, để minh bạch hóa hơn trong kinh doanh xăng dầu, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 56/BTC - hướng dẫn kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực tiễn.

Nhưng tại sao năm ngoái, khi giá dầu thô là 147 USD/thùng thì giá trong nước là 19.000 đồng/lít, nhưng hiện nay giá dầu thế giới đã giảm 50%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm 25%, ở mức 14.200 đồng/lít xăng?

Nếu so sánh như vậy  thì chưa thật phù hợp, bởi khi tính giá xăng dầu trong nước thì chúng tôi phải căn cứ vào giá bình quân của thế giới đối với từng chủng loại xăng, dầu cụ thể trong 20 ngày chứ không phải là giá dầu thô tại một thời điểm nhất định.

Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, cơ cấu tính giá xăng, dầu không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng, dầu thị trường thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và USD, chính sách điều tiết của Nhà nước…

Đặc biệt, với mức giá bán lẻ 19.000 đồng/lít vào thời điểm 2008 là cũng chưa tính toán đầy đủ theo mặt bằng giá xăng trên thị trường thế giới, vì khi đó Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ, bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Nếu tính toán đầy đủ sẽ còn phải cao hơn mức 19.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2009, Chính phủ quyết định điều hành giá xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường, không thực hiện bù lỗ như trước đây nữa.

Có thể kiểm soát được giá gốc

Nhưng hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, do giá đầu vào của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được minh bạch nên việc kêu lỗ, lãi của các doanh nghiệp nhiều khi cũng không thật chính xác, thưa ông?

Để kiểm soát mức giá của các doanh nghiệp xăng dầu thì chúng tôi căn cứ vào 3 tiêu chí cơ bản và rất công khai, đó là: giá bình quân trong 20 ngày tại thị trường Singapore, tỷ giá và thuế nhập khẩu.

Đây là 3 tiêu chí rõ ràng mà doanh nghiệp không thể giấu hay khai man được. Ngoài ra, chúng tôi cũng quy định lệ phí xăng dầu với mức ấn định 1.000 đồng/lít, chi phí kinh doanh 600 đồng/lít… thì sẽ ra giá bán lẻ công khai chứ hoàn toàn không có chuyện không kiểm soát được.

Trước đây, mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đều tổ chức họp báo, nhưng tại sao từ đầu năm đến nay lại cứ “âm thầm” điều chỉnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp tăng giá mà không cần đăng ký, thưa ông?

Việc điều chỉnh giá trước đây vẫn là do Nhà nước quyết định. Còn nay thì doanh nghiệp là người quyết định giá, Nhà nước chỉ kiểm soát đăng ký giá của họ thôi.

Cũng chính vì thế mà trước đây thì khi tăng giá sẽ phải đồng loạt niêm yết đúng vào một thời điểm nhất định trong ngày, nhưng hiện nay thì giá được niêm yết vào nhiều thời điểm trong ngày, có thể từ sáng sớm, chiều tối, thậm chí là nửa đêm, tùy từng doanh nghiệp quyết định.