09:02 03/02/2009

Tàu xe sau Tết không quá “căng”

Thúy Nhung

Sau Tết năm nay, lượng khách có nhu cầu đi các tỉnh phía Nam không tăng vọt nên chuyện tàu xe, đi lại cũng bớt căng thẳng

Xếp hàng mua vé tàu tại Ga Hà Nội.
Xếp hàng mua vé tàu tại Ga Hà Nội.
Sau Tết năm nay, lượng khách có nhu cầu đi các tỉnh phía Nam không tăng vọt nên chuyện tàu xe, đi lại cũng bớt căng thẳng.

Xe khách tăng giá từ 20-60%

Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam luôn tăng đột biến. Nhưng năm nay, nhu cầu đi lại trên các tuyến đường dài chỉ ở mức cùng kỳ năm trước.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam Hà Nội (bến xe Giáp Bát). Hiện mỗi ngày, bến xe Giáp Bát có thể đáp ứng nhu cầu đi Tp.HCM của khoảng 2.000 hành khách. "Tình trạng chen lấn, nhồi nhét khách hầu như chỉ diễn ra đối với các xe dù và những hành khách bắt xe ở dọc đường”, ông Thành nói.

“Giá vé hiện nay đều do các công ty vận tải tự đưa ra trên cơ sở tính toán các khoản chi phí đầu vào. Nhưng do trong những ngày này, hành khách chủ yếu chỉ có nhu cầu đi vào các tỉnh phía Nam, trong khi đó, chiều ra khá vắng nên giá vé cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 20-60% so với ngày thường để bù đắp lại một phần chi phí”, ông cho biết thêm.

Nhiều chuyến tàu Bắc - Nam vẫn còn 20 - 25% số vé

Trái hẳn với tình trạng quá tải, thiếu vé phục vụ hành khách vẫn thường diễn ra sau Tết của ngành đường sắt, "năm nay, do lượng khách không tăng mạnh nên những chuyến tàu khởi hành đi Nam vào những ngày lẻ (theo quan niệm truyền thống là không thuận lợi cho việc đi xa - PV) vẫn còn trống tới 20-25% số vé", ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày ngành đường sắt có thể đáp ứng nhu cầu đi vào các tỉnh phía Nam của khoảng 10.000 hành khách. Nhưng cũng theo ông Tuyên, các đoàn tàu sẽ khởi hành vào các ngày chẵn là 2-4-6/2 (ngày 8-10-12/1 âm lịch) đều đã kín chỗ, thậm chí phải bán thêm ghế phụ. 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lượng khách đi tàu so với mọi năm, ông Tuyên cho rằng một phần là do có bộ phận không nhỏ công nhân ở miền Bắc làm việc tại các khu công nghiệp phía Nam vì lo ngại về tình hình cắt giảm nhân công nên đã không tiếp tục trở lại nơi làm việc sau Tết.

Khan vé máy bay Hà Nội - Tp.HCM

Đối với vận tải hàng không, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc thương mại của Jetstar Pacific cho hay, trước và sau Tết mỗi ngày, hãng hàng không này đều có 10 chuyến bay giữa Hà Nội - Tp.HCM và ngược lại.

Vì vậy, hàng ngày hãng này có thể phục vụ nhu cầu vào Tp.HCM của khoảng 1.700 hành khách từ Hà Nội (chưa kể những chuyến bay tới Tp.HCM từ các tỉnh, thành phố khác). 

Tuy nhiên, “so với cùng kỳ năm trước, lượng hành khách năm nay không tăng nhưng các chuyến bay từ Hà Nội đi Tp.HCM đến hết ngày 10/2 (ngày 15/1 âm lịch) đều đã kín chỗ nên những khách hàng đặt vé muộn sẽ không thể được đáp ứng nhu cầu vào dịp cao điểm này”, bà Bình chia sẻ.

Còn theo đại diện của Vietnam Airlines, dịp Tết Nguyên đán (hai tuần trước và sau Tết) hãng này đã tăng thêm 300 chuyến trên đường bay Hà Nội - Tp.HCM - Hà Nội và Tp.HCM - Đà Nẵng - Tp.HCM. Nhưng tới thời điểm hiện nay, số lượng vé hiện còn trên các tuyến bay từ Hà Nội vào Tp.HCM là rất hạn chế và phụ thuộc rất lớn vào ngày khởi hành cũng như thời điểm bay.

Nhưng theo một nhân viên của phòng vé máy bay tại số 2 Thụy Khuê (Hà Nội), trong thời gian từ nay tới 15/1 âm lịch, hành khách nhu cầu đi lại bằng máy bay chặng Hà Nội - Tp.HCM vẫn có thể mua vé của hàng hàng không tư nhân Indochina Airlines, với mức giá chỉ từ 1.380.000 - 1.580.000 đồng, tùy thuộc vào thời điểm bay.