11:59 26/03/2009

Thất thoát gần một nửa, vì sao nước vẫn tăng giá?

Thúy Nhung

Nhiều địa phương đang rục rịch tăng giá nước sạch lên mức khá cao so với hiện hành, khiến người dân không khỏi lo lắng

"Giá nước hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành, chứ không có tích luỹ".
"Giá nước hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành, chứ không có tích luỹ".
Nhiều địa phương đang rục rịch tăng giá nước sạch lên mức khá cao so với hiện hành, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, "việc tăng giá nước là phù hợp", theo lời ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, nói với VnEconomy. Lý giải về điều này, ông nói:

- Từ trước năm 1998, theo quy định, cấp nước, thoát nước là những doanh nghiệp công ích, vì vậy được Nhà nước bao cấp hoàn toàn từ đầu tư tới vận hành. Trong thời gian đó, đối với thoát nước người được hưởng lợi hoàn toàn không phải đóng góp một khoản nào. Đối với hoạt động cấp nước thì chỉ phải đóng góp một phần phí nhỏ.

Nhưng từ năm 2003, các công ty cấp nước đã chuyển hẳn sang tự hoạch toán kinh doanh, do vậy giá bán sản phẩm phải bù đắp được các chi phí. Đó là chi phí đầu tư nhà máy, mạng lưới đường ống. Chi phí này thường chiếm tới 65-70% giá thành của nước sạch.

Ngoài ra còn phải thu hồi đầy đủ chi phí vận hành như: nhân công, điện năng, hoá chất, than hoạt tính, các loại phụ tùng thay thế... Điện chỉ là một phần trong các chi phí trong quá trình sản xuất.

Do vậy, giá nước phải được điều tiết theo giá thị trường, nếu không sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cũng như sự phát triển bền vững của ngành.

"Không thể lo cho lợi ích của cả những người giàu"

Mới đây, không chỉ đề nghị tăng giá, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) còn áp dụng cách tính mới. Theo đó, các hộ gia đình sẽ chỉ được sử dụng 10 m3/hộ/tháng với mức giá là 4.500 đồng/m3, sử dụng trên 10 m3/hộ/tháng, với giá 7.900 đồng/m3. Trong khi, trước đây mỗi hộ được sử dụng tới 16 m3/tháng, với giá 2.700 đồng/m3. Như vậy, hoá đơn nước một hộ dân phải trả mỗi tháng là khá cao. Theo ông, cách tính toán trên có hợp lý?

Với điều chỉnh giá nước lần này, những người sử dụng nhiều nước phải trả phí cao hơn. Nhưng chúng ta không thể lo cho lợi ích của cả những người giàu.

Trước đây, bình quân đầu người là 4 m3/tháng, tương đương với khoảng 130 lít nước/ngày/người. Con số này là khá cao vì ở nhiều nước, người dân mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng 50 lít nước.

Cách “khoán” 10 m3 nước/tháng cho các hộ dân của Sawaco cũng là hợp lý vì điều này sẽ khuyến khích việc tiết kiệm nước sạch. Với cách tính mới này, một hộ có 4 người, mỗi người cũng vẫn sử dụng trên 80 lít nước/ngày.

Với giá nước mới như đề nghị của một số địa phương, mỗi người dân đô thị mỗi tháng cũng chỉ phải trả khoảng 11.000 đồng/người. Số tiền một hộ gia đình phải chi trả cho nước sinh hoạt thực tế vẫn thấp hơn nhiều lần mức phí phải chi trả cho các dịch vụ khác như điện và điện thoại.

"Chỉ phải trả khoảng 1,45% thu nhập cho nước sinh hoạt"

Hiện nền kinh tế chung đang đối mặt với nhiều khó khăn để khích thích tiêu dùng nhiều mặt hành đã giảm giá. Tại sao các công ty nước lại chọn thời điểm này để tăng giá?

Ngay từ năm 1999, đã có định hướng nước sạch là hàng hoá thiết yếu, Nhà nước quản lý về quy hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, tốc độ phát triển, nhưng vẫn phải đảm bảo thu bù đắp chi phí.

Nghị định số 117/2007 của Chính phủ cũng đã nêu rõ giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ để thu hồi chi phí đầu tư.

Nhưng năm 2008 do lạm phát tăng cao, Chính phủ phải ra nghị quyết yêu cầu không được tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để kìm chế lạm phát trong đó có điện, nước sạch và xăng dầu. Theo chủ trương chung, vì vậy tới nay các công ty nước ở các địa phương mới đề xuất tăng giá và tăng giá mặt hàng này.

Tuy nhiên, trong Nghị định 117 cũng có đề cập tới việc tính toán giá phải phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng, thưa ông?

Đúng là điều này đã được đề cập tới trong Nghị định. Tuy nhiên, thế nào là là phù hợp với khả năng chi trả thì vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể.

Theo góp ý của Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADP) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì khả năng chi trả cho nước sạch chiếm khoảng 3% thu nhập thực tế của người dân đô thị là phù hợp.

Trong khi đó, theo niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2007, thu nhập bình quân trên đầu người sinh sống ở khu vực đô thị nước ta là khoảng 1,1 triệu đồng. Nếu tính theo mức thu nhập này, mỗi tháng mỗi người dân ở khu vực đô thị có thể chi trả 33.000 đồng cho tiền nước. Trong khi đó, theo tính toán, với mức tăng giá như đề xuất, mỗi người dân đô thị nước ta cũng chỉ phải trả khoảng 1,45% thu nhập cho nước sinh hoạt.

Như vậy, lẽ ra việc tăng giá nước phải được thực hiện từ trước đó rất lâu. Nhưng tại sao các công ty nước vẫn tồn tại đến bây giờ, dù không điều chỉnh giá?

Giá nước hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành, chứ không có tích luỹ.  Khoảng 10 năm nay chi phí đầu tư cho xây dựng các nhà máy nước và hệ thống đường ống đã lên tới 1 tỷ USD. Đây là nguồn ODA do Chính phủ đứng ra vay và đều đã đến thời hạn trả nợ.

Các công ty nước vẫn có thể tồn tại dù không tăng giá, là do họ đã không khấu hao đủ để trả nợ cho khoản vay đầu tư ban đầu này.

Nếu để tình trạng trên kéo dài, chắc chắn ngành nước sẽ không thể phát triển. Thêm vào đó, thiếu chi phí bảo dưỡng cũng làm cho hệ thống đường ống, máy móc nhanh chóng bị xuống cấp.

Tỷ lệ thất thoát nước là "khá cao"

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá nước mạnh là do tỷ lệ thất thoát hiện vẫn ở mức cao?

Đúng là hiện tỷ lệ thất thoát nước ở các tỉnh thành là khá cao, như Tp.HCM là gần 43%, Hà Nội là 40%... Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đường ống ở các thành phố này quá lớn và đã trở nên quá cũ kỹ. Khi muốn sửa chữa, cải tạo hay thay thế mới lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Bên cạnh đó, công việc cải tạo còn gây cản trở lớn cho giao thông đô thị.

Liệu tăng giá nước sạch có đủ đảm bảo cho chất lượng dịch vụ này tốt lên, thưa ông?

Khi giá nước được tính đúng, tính đủ, chắc chắn dịch vụ cũng sẽ được tốt lên. Tuy nhiên, điều này cũng không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều.

Nhưng hiện ở một số công ty nước cũng đã có phòng khách hàng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người tiêu dùng để dịch vụ được đáp ứng tốt hơn.

Như vậy, tới đây giá nước sẽ liên tục được điều chỉnh theo biến động của giá cả đầu vào?

Điều này cũng là phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như biến động của giá cả thị trường. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá nước phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi được áp dụng.