16:58 25/01/2007

Thấy gì từ diễn biến giá cả tháng 1/2007?

Dương Ngọc

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, có thể nhận thấy diễn biến giá cả tháng 1/2007 có một số điểm đáng lưu ý

Tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2/2007 được dự đoán sẽ còn tăng cao - Ảnh: Việt Tuấn.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2/2007 được dự đoán sẽ còn tăng cao - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, có thể nhận thấy diễn biến giá cả tháng 1/2007 có một số điểm đáng lưu ý.

Về giá tiêu dùng, tốc độ tăng của tháng 1 năm nay thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (1,2%). Một mặt, do Tết Âm lịch năm nay rơi vào 17/2 Dương lịch, chậm hơn năm trước gần một tháng.

Mặt khác, có một nguồn tiền lớn được gửi tiết kiệm vào các ngân hàng thương mại (số dư huy động của các ngân hàng thương mại trên 2 địa bàn lớn nhất nước đều tăng trên 31% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ nhiều năm nay) và mấy tháng nay được dồn vào thị trường chứng khoán, khi chỉ số giá cổ phiếu tăng phi mã (ngày 23/1/2007, VN-Index ở mức 1.040,7 điểm, HASTC-Index ở mức 324,85 điểm), với tổng giá trị vốn hoá thị trường của cổ phiếu lên đến 220 nghìn tỷ đồng, của trái phiếu lên đến trên 70 nghìn tỷ đồng.

Trong hai khu vực, khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn; các trung tâm như Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM tăng cao hơn các tỉnh khác. Theo các nhóm, mặt hàng, tháng này giá vật liệu xây dựng, giá đồ uống và thuốc lá, giá lương thực tăng cao nhất; giá may mặc, mũ nón, giày dép cũng đang có xu hướng tăng cao lên do chuẩn bị Tết.

Dự đoán giá tiêu dùng tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán âm lịch (rơi vào 17/2), nên sẽ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (tháng 2 năm trước giá tiêu dùng tăng 2,1%, trong đó lương thực tăng 1,7%, thực phẩm tăng 3,7%, đồ uống và thuốc lá tăng 1,5%...).

Ngoài ra, giá tiêu dùng tháng 2 năm nay còn chịu ảnh hưởng của giá điện, giá than, xi măng... là những mặt hàng là đầu vào của hầu hết sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đời sống. Đó là chưa nói có thể có một lượng tiền không nhỏ sẽ được chuyển từ thị trường chứng khoán trở về tạo áp lực tăng giá tiêu dùng; nếu lãi suất tiết kiệm giảm thì lượng tiền lưu thông sẽ vào ngân hàng ít, cũng sẽ tạo áp lực tăng giá tiêu dùng.

Về giá vàng, trên thị trường thế giới vẫn lúc tăng lúc giảm, ở trong nước cũng tăng, giảm theo, cộng với chỉ số chứng khoán tăng cao, nên giá vàng ở trong nước tháng 1 đã giảm. Trên thế giới, giá dầu đã hạ xuống thấp, giá USD tăng so với Yên Nhật và một số đồng tiền khác, nên giá vàng khó tăng cao.

Tuy nhiên, trước việc chuyển đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ của những nước có dự trữ ngoại tệ lớn, và tác động của những nhà đầu cơ thì giá vàng sẽ tăng, giảm theo hình răng cưa, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.

Về giá USD ở trong nước giảm nhẹ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước mở rộng biên độ từ +/-0,25% lên +/-0,50%. Chủ yếu do ngoại tệ từ các nguồn vào nhiều (đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, kiều hối, du lịch...); cộng với chỉ số chứng khoán đang tăng trưởng nóng.