10:35 03/08/2007

“Thép sẽ sớm bình ổn giá!”

Từ Nguyên

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trong cuộc trao đổi với VnEconomy

"Nếu tính tổng các chi phí khác vào nữa thì giá của thép thành phẩm hiện nay đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn so với năm ngoái."
"Nếu tính tổng các chi phí khác vào nữa thì giá của thép thành phẩm hiện nay đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn so với năm ngoái."
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Xin ông cho biết tình hình thị trường thép trong thời gian qua?

Tính đến cuối tháng 6/2007, tình hình tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong Hiệp hội chỉ tăng 2,56%, nhưng nếu tính cả lượng tiêu thụ nhập khẩu từ nước ngoài thì tăng trên 20%. Vì vậy, tính bình quân lượng thép tiêu thụ trên thị trường trong thời gian qua cũng đạt xấp xỉ 20%.

Tuy nhiên, có một đặc điểm nổi bật về thị trường thép trong thời gian qua, đó chính là sự tăng giá thép cao chưa từng có từ trước tới nay. Đây là một vấn đề đáng để chúng ta phải quan tâm suy nghĩ. Đặc biệt là các cơ quan chức năng phải tìm hiểu thực chất của việc tăng giá đó, hay là có tình trạng các doanh nghiệp “té nước theo mưa”.

Hiện ngành thép trong nước đang phải nhập khẩu tới trên 60% phôi thép và trong nửa cuối năm nay phấn đấu giảm xuống 50%. Đặc biệt, giá phôi trong thời gian qua liên tục tăng. Riêng phôi thép nhập từ Trung Quốc đã phải chịu 2 đợt tăng thuế nhập khẩu, từ 5% lên 10% và từ 1/6/2007 đã tăng lên 15%.

Trong khi đó, giá phôi trung bình của năm 2006 chỉ 389 USD/tấn, nhưng đến tháng 6/2007 đã tăng lên 513 USD/tấn. Nếu tính tổng các chi phí khác vào nữa thì giá của thép thành phẩm hiện nay đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn so với năm ngoái.

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng phải chịu tác động của sự tăng giá chung trên thị trường, đặc biệt là việc tăng giá của các nguyên liệu đầu vào của ngành thép như điện, xăng dầu, vận tải... Vì vậy, nếu đem so với sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng như mức tăng giá các yếu tố đầu vào khác của ngành thép thì theo tôi, giá thép tăng 2 triệu đồng/tấn không phải là đã vượt quá mức cho phép.

Có thể thấy rằng, ngoài việc do giá phôi tăng thì việc tăng giá của các mặt hàng khác cũng là nguyên nhân đẩy giá thép lên cao. Vì vậy, cần phải nhận thấy rằng, việc giá thép tăng cao chỉ là “cái ngọn”, còn việc để chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao đó mới là “cái gốc”.

Không thể đổ lỗi cho việc tăng giá thép khiến chỉ số giá của một số ngành khác cũng tăng theo, bởi thép đơn thuần cũng chỉ là một mặt hàng và doanh nghiệp sản xuất thép cũng giống như bao doanh nghiệp kinh doanh khác.

Vậy nên, muốn giải quyết tốt vấn đề “cái gốc” thì tất yếu phải tìm đến cái gốc đó, tức là phải xem xét lại các chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian qua. Nếu giải quyết được “cái gốc” thì chắc chắn những vấn đề liên quan đến “ngọn” cũng sẽ được giải quyết.

Việc thiếu phôi thép đã được đề cập rất nhiều nhưng dường như chúng ta vẫn chưa tìm ra được một giải pháp và chiến lược cụ thể để giải quyết khó khăn này?

Thực ra, trong thời gian qua không phải là chúng ta không nhận thấy điều đó. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến ngành thép hiện nay vẫn phải nhập khẩu phôi tới trên 60% lại là yếu tố khách quan.

Ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn ở tình trạng quy mô rất nhỏ bé, phân tán và trình độ công nghệ vẫn còn ở mức trung bình và thấp. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, các dự án đầu tư mới của ngành thép chưa phát huy được công suất, đồng thời phải chịu chi phí khấu hao và lãi suất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép.

Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp bắt tay vào việc đầu tư sản xuất phôi thép. Nhưng nhìn chung, việc đầu tư vẫn đang còn manh mún, thiếu sự phối hợp. Điều này bắt nguồn từ tập quán kinh doanh nhỏ lẻ của các doanh nghiệp.

Vì vậy, hiện nay Hiệp hội Thép đang nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp liên kết lại với nhau nhằm tạo nên những doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp của nước ngoài, đặc biệt là với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Đến thời điểm này đã có một số dự án sản xuất phôi thép có quy mô lớn đã và đang chuẩn bị khởi công, như dự án sản xuất phôi công suất nửa triệu tấn ở Bạch Hạc (Vĩnh Phúc), dự án liên doanh với Tập đoàn Tata (Ấn Độ) ở Thạch Khê (Hà Tĩnh)…

Vì vậy, theo tôi trong vòng 3 – 5 năm nữa, vấn đề phôi thép sẽ được giải quyết một cách đáng kể.

Nhưng trên thực tế lại tồn tại một nghịch lý là giá thép trong nước tăng cao trong khi thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn vào?

Hiện tượng thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam không phải là điều chúng ta không lường trước được. Hiện Trung Quốc đang áp dụng một chính sách bảo hộ và khuyến khích xuất khẩu thép.

Theo dự báo, trong thời gian tới, thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn vào Việt Nam theo cam kết WTO và những hệ lụy từ do dư thừa công suất và cung vượt cầu trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, thép Trung Quốc (chủ yếu là thép cây) có giá rẻ nhưng thời gian qua vẫn không thể thâm nhập được thị trường Việt Nam là do vấn đề thương hiệu. Người tiêu dùng Việt Nam vốn vẫn quen với các thương hiệu thép cây trong nước và không quen dùng thép cây mang thương hiệu Trung Quốc.

Vì vậy, đối với các sản phẩm thép nội có thương hiệu thì giá vẫn ở mức cao. Theo tôi, đây là một điều tốt cho ngành thép Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm sao để bình ổn giá thép, tránh xảy ra sự biến động lớn về giá.

Để giải quyết bài toán về phôi và giá thép thì chúng ta lại chọn đầu tư vào những công nghệ đã bị nhà nước cấm. Tại sao lại xảy ra tình trạng này, thưa ông?

Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như tài chính, môi trường… Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phải kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất, vừa đảm bảo được các yêu cầu đặt ra vừa mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Dự báo của Hiệp hội Thép về thị trường thép trong thời gian tới ra sao?

Theo dự báo của Hiệp hội, trong thời gian tới, thị trường thép trong nước sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO nên ngành thép cũng sẽ phải chịu những tác động từ sự kiện này. Cụ thể là ngành thép sẽ phải chịu ảnh hưởng từ sự biến động thất thường của giá phôi thép, thép phế, than cốc, than mỡ, giá xăng dầu…

Dự báo trong quý 3/2007, tình hình tiêu thụ thép trong nước có thể thấp xuống. Giá thép trong thời gian tới có nhiều khả năng ổn định, thậm chí có khả năng giảm nhẹ. Còn xa hơn nữa, chắc chắn thị trường thép sẽ bình ổn theo chiều hướng có lợi cho người tiêu dùng khi các nhà máy cán phôi, thép lớn đi vào hoạt động.