12:37 19/07/2010

Thị trường bán lẻ trong nước vẫn đợi “cá lớn”

Mạnh Chung

Đã một năm rưỡi trôi qua kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp ngoại

Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan.
Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan.
Đã một năm rưỡi trôi qua kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp ngoại.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự “đổ bộ” của những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới như Wal-Mart, Carefour... vào Việt Nam, như nhiều nhận định trước đó.

Điều này, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trước hết là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài khá thận trọng khi quyết định đầu tư thâm nhập thị trường bán lẻ nước ta.

Thứ hai, thị trường bán lẻ Việt Nam dù những năm gần đây luôn đứng trong top 10 các thị trưởng bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất, nhưng về cơ bản vẫn còn đang ở dạng tiềm năng, những yếu tố như sức mua của người dân, cơ sở hạ tầng... có thể làm cho các nhà đầu tư còn cân nhắc thời điểm thích hợp hơn để nhảy vào thị trường này.

Nghĩa là họ (doanh nghiệp nước ngoài) hiện vẫn đang “án binh” chờ thời, thưa bà?

Theo tôi, các doanh nghiệp nước ngoài không án binh mà họ vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới nhiều nhà đầu tư sẽ xâm nhập thị trường, vì Việt Nam đang được coi là một thị trường bán lẻ hấp dẫn, tiềm năng trong khu vực và trên thế giới.

Vậy trong một năm rưỡi qua, thị trường bán lẻ của ta có sự thay đổi nhiều không, thưa bà?

Có chứ. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại.

Ngoài các siêu thị đã quen thuộc với người dân Việt thì các loại hình bán lẻ hiện đại khác như các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, các cửa hàng chuyên doanh, các hình thức bán lẻ của thương mại điện tử như mua bán hàng trên mạng... cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Hơn nữa, trong thời gian qua, bất chấp khó khăn chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng ngành công nghiệp bán lẻ của ta, loại trừ các yếu tố tăng giá, vẫn có mức tăng trưởng rất khá, tăng 16%.

Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa thì sao? Mức độ sẵn sàng của họ như thế nào khi mà doanh nghiệp ngoại vẫn chưa “đổ bộ”?

Các doanh nghiệp trong nước cũng đang cố hết sức để mở rộng mạng lưới hoạt động của mình và hướng về người tiêu dùng. Các thành viên của Hiệp hội Bán lẻ trong thời gian qua đã rất nỗ lực mở rộng mạng lưới, như Saigon Co.op đã mở rộng ra đến Hà Nội và dự dịnh mở ra các điểm ở miền Bắc. Ngược lại, các doanh nghiệp ở miền Bắc như Hapro, Citimart đã và đang phát triển các chi nhánh của mình ở phía Nam.

Nhưng lâu nay, doanh nghiệp vẫn “than”, mặt bằng, địa điểm kinh doanh vẫn là khó khăn, trở ngại lớn nhất để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động của mình?

Đúng là vấn đề rất khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ bán lẻ của Việt Nam là mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Mặt bằng của các trung tâm bán lẻ là tối cần thiết để mở rộng mạng lưới của các doanh nghiệp bán lẻ đã có cũng như cho các nhà đầu tư mới vào thị trường tiềm năng này.

Chúng ta cũng đã có những nguồn cung cấp mặt bằng, tuy nhiên đối với đại đa số các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó khăn để có được mặt bằng vì giá của mặt bằng đó khá cao, trong khi tiềm lực vốn và tài chính của họ lại rất hạn chế.

Thực tế, không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam như Saigon Co.op, Hapro, Nguyễn Kim... cũng gặp những khó khăn.

Vậy theo bà, Nhà nước cần có những hỗ trợ gì để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển và nâng cao được vị trí của mình?

Điều đầu tiên cần khắc phục là nâng cao năng lực hệ thống, nguồn nhân lực, cần hướng đào tạo nguồn nhân lực vào trung và cao cấp, vào các nhà quản trị doanh nghiệp phù hợp với thời cuộc hội nhập. Ở góc độ này, Nhà nước có thể hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ hai là thông tin thị trường, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nhà bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt, là cần có những biện pháp hỗ trợ về mặt bằng, địa điểm kinh doanh cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển.