11:45 29/07/2013

Thị trường gạo ngóng Thái Lan xả hàng

An Huy

Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ khi nông dân tăng bán hàng cho các nhà xuất khẩu

So với mấy tuần trước, đà tăng của giá lúa gạo tại ĐBSCL đang chững lại.
So với mấy tuần trước, đà tăng của giá lúa gạo tại ĐBSCL đang chững lại.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tuần qua, trong khi gạo Thái Lan đứng giá. Thị trường gạo châu Á đang chờ phản ứng đối với đợt bán gạo tạm trữ đã được lên kế hoạch của Chính phủ Thái.

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố sẽ tổ chức các đợt đấu thầu bán tổng cộng 550.000 tấn gạo đã xát và thóc từ kho tạm trữ với giá thị trường.

“Chúng tôi đang chờ xem Chính phủ sẽ chấp nhận mức giá bỏ thầu nào, và mức giá đó sẽ mang tính định hướng cho thị trường”, một thương nhân Bangkok phát biểu.

Giá bỏ thầu được các đơn vị muốn mua gạo trình lên Chính phủ Thái Lan vào các ngày 26/7 và 30/7. Theo một quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan, sau đó, nhà chức trách sẽ dành vài ngày để đàm phán mức giá tốt hơn trước khi công bố kết quả của đợt đấu thầu.

Giữa tuần qua, giá gạo trắng tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đứng ở mức 468 USD/tấn, giảm nhẹ từ mức 470 USD/tấn trong tuần trước đó.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan quan tâm tới đợt chào thầu gạo của Chính phủ nước này cho biết, họ sẽ bỏ thầu với mức giá 20-30 USD/tấn thấp hơn so với giá thị trường để bù đắp các chi phí về hậu cần và đóng gói để vận chuyển gạo từ kho chứa của Chính phủ tới khu vực cảng.

“Sẽ không thể cạnh tranh nổi với gạo Ấn Độ và gạo Việt Nam nếu mua gạo của Chính phủ bằng giá thị trường, cộng thêm chi phí xuất khẩu”, một nhà xuất khẩu gạo Thái cho biết.

Mức giá hiện tại 468 USD/tấn của gạo Thái thấp hơn nhiều so với mức giá mà Chính phủ Thái Lan mua thóc từ nông dân là 15.000 Baht/tấn, tương đương 700 USD/tấn gạo sau khi xay xát, đóng gói và cất giữ.

Theo số liệu của Chính phủ Thái Lan, thua lỗ từ chương trình tạm trữ lúa gạo trong niên vụ 2011/2012 của nước này đã lên mức 136 tỷ Baht, tương đương 4,39 tỷ USD. Theo dự kiến, mức thua lỗ sẽ còn gia tăng do Chính phủ nước này tiếp tục chương trình tạm trữ trong niên vụ 2012/2013 kết thúc vào cuối tháng 9 năm nay.

Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ khi nông dân tăng bán hàng cho các nhà xuất khẩu, trong khi nhu cầu của thị trường tiếp tục trầm lắng. Mấy tuần trước, nông dân ở ĐBSCL găm hàng, hy vọng nhu cầu mua thêm gạo từ các khách lớn sẽ đẩy giá tăng. Nhưng đến nay, vẫn chưa có thêm đơn hàng mới nào từ hai khách lớn là Philippines và Indonesia.

Theo Reuters, giữa tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm còn 397-400 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), từ mức 400-410 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm thu hẹp biên độ dao động còn 365-375 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 360-375 USD/tấn trong tuần trước đó.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa gạo các loại tại đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục tăng từ 50-100 đồng/kg. Mặc dù vậy, so với mấy tuần trước, đà tăng của giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đang chững lại.

Trong đó, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.450 - 5.550 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.750 - 6.850 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.050 - 8.150 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.600 - 7.700 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 - 7.350 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Cũng theo VFA, từ ngày 1-25/7, xuất khẩu gạo cả nước đạt 347.484 tấn, trị giá FOB 141,609 triệu USD, trị giá CIF 143,987 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 3,832 triệu tấn, trị giá FOB 1,645 tỷ USD, trị giá CIF 1,718 tỷ USD.