19:16 26/01/2009

Thời của hoa công nghệ cao

Chu Khôi

Những loại hoa truyền thống trồng bằng phương pháp thủ công đang dần vắng bóng trên thị trường

Trồng hoa công nghệ cao tuy chi phí làm nhà lưới đắt, nhưng do sản xuất được với số lượng nhiều và nhanh, nên tính ra giá thành lại thấp hơn so với trồng hoa theo phương thức truyền thống.
Trồng hoa công nghệ cao tuy chi phí làm nhà lưới đắt, nhưng do sản xuất được với số lượng nhiều và nhanh, nên tính ra giá thành lại thấp hơn so với trồng hoa theo phương thức truyền thống.
Những loại hoa truyền thống trồng bằng phương pháp thủ công đang dần vắng bóng trên thị trường.

Chiếm lĩnh thị trường hoa Tết năm nay là những loại hoa mới, lạ, và cao cấp như: tiểu quỳnh, lily, tulip, địa lan, hồ điệp... nhân giống bằng công nghệ Invitro.

TS. Nguyễn Thị Kim Lý, Giám đốc Trung tâm Hoa và Cây cảnh (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) cho biết: do xu hướng thích những mẫu hoa mới và lạ của người chơi hoa, nên ngày càng ít người trồng các giống hoa bản địa. Một nguyên nhân nữa khiến những loài hoa truyền thống mất khách là do chúng không có độ bền cao, hoa chỉ cắm vài ngày đã tàn nên không còn được khách hàng ưa chuộng, khiến những giống hoa này dần mai một.

Hoa công nghệ cao đắt khách

Trong khi những loại hoa cổ truyền ngày tết dần mai một và khan hiếm, thì những loại hoa hiện đại đang tràn ngập thị trường hoa tết, giá bán cũng phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng.

Theo chị Nguyễn Phương Lan, Trưởng văn phòng đại diện của Đà Lạt Hasfarm tại Hà Nội, đa số mẫu hoa mà Hasfarm tung ra thị trường đều được Hasfarm trồng tại Việt Nam với giống và công nghệ chăm sóc của nước ngoài.

Đến nay, rất nhiều loại hoa đã được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Việt Nam, như: lan dendro, lan hồ điệp, vanda, catleya, vũ nữ, vạn thọ Pháp, cúc Đài Loan, hoa salem, cẩm chướng, hoàng thảo, hoa đồng tiền nhập nội (các giống Tamara, Banesa, Caliente, Redbull)... Thị trường tiêu thụ hoa công nghệ cao trong nước ngày càng mở rộng, mỗi năm tiêu thụ hàng triệu cây hoa các loại, riêng hoa lan cũng gần 2 triệu cây.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Thị Kim Lý, hoa công nghệ cao đang rất đắt khách, chiếm lĩnh khoảng 65-80% thị trường hoa tết Hà Nội và Tp.HCM năm nay, nhất là các loại hoa lan, layơn, lily...

Chơi bền, màu sắc đẹp, thơm lâu

TS Nguyễn Thị Kim Lý cho biết, nhiều loại hoa năm nay được trồng theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào, đây là công nghệ hiện đại đã trở thành phổ biến trên thế giới.

Công nghệ này cho phép nhân giống nhanh, đồng loạt tạo ra được những giống hoa sạch bệnh, có chất lượng tốt, cánh hoa đều, màu sắc đẹp, có mùi thơm và bền lâu. Những năm trước đây, hoa công nghệ cao chủ yếu là hoa nhập từ nước ngoài, nhưng hai năm trở lại đây hầu hết những loại hoa này đã được sản xuất ở trong nước.

Phương pháp trồng cấy truyền thống cho chất lượng cây không đồng đều và khó nhân nhanh với số lượng lớn. Nhưng khi nuôi cấy Invitro (trong ống nghiệm), chọn những cây đẹp nhất, khoẻ nhất, dùng kỹ thuật cắt micro chỉ từ một cây mẹ ban đầu sẽ cho ra hàng vạn hàng triệu cây con đồng nhất với nhau về sức sống và chất lượng.

Giới thiệu với tôi về bông hoa hồng màu xanh đang đặt trên bàn làm việc, TS. Lý cho biết: bằng kỹ nghệ gây đột biến, tạo ra những loại hoa chưa từng xuất hiện trong tự nhiên, màu sắc đa dạng và độc đáo, những biến dị này luôn  giữ được ổn định ở đời sau, không phân ly tính trạng như các biến dị tổ hợp  khi áp dụng phương pháp lai giống bình thường.

Cây hoa được trồng trong ống nghiệm với thời gian từ 2,5-9 tháng (tuỳ thuộc vào từng loài hoa), sau đó chuyển giao cho các cơ sở trồng hoa để trồng trong nhà lưới. Trồng hoa công nghệ cao tuy chi phí làm nhà lưới đắt, nhưng do sản xuất được với số lượng nhiều và nhanh, nên tính ra giá thành lại thấp hơn so với trồng hoa theo phương thức truyền thống. Một cây hoa cúc nếu trồng bình thường giá thành 200-300 đồng/cây, nhưng trồng theo công nghệ cao thì chi phí giảm chỉ còn 70-80 đồng/cây.

Từ một củ hoa lily nhập khẩu, sau 6 tháng nuôi cấy Invitro sẽ cho ra hàng vạn cây giống, giá thành chỉ 7.000-9.000 đồng/cây. Hiện nay, cây giống và kỹ nghệ trồng hoa công nghệ cao đã được Viện Di truyền chuyển giao tại rất nhiều địa phương ở miền Bắc, như: làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) với 250 ha, Sa Pa (Lào Cai) với 85 ha, Đan Phượng với 7 ha...

“Bình dân hóa” hoa lan nhờ nuôi cấy mô

Từ xưa, hoa lan được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa, và dường như chúng sinh ra chỉ để dành cho tầng lớp thượng lưu.

Những năm gần đây, nhờ công nghệ trồng lan bằng phương pháp nuôi cấy mô và đời sống kinh tế phát triển, thú chơi lan đã được “đại chúng hóa”. Trồng lan từ lâu đã được xem là một ngành sản xuất đòi hỏi những đầu tư lớn về vốn và nghiên cứu phát triển công nghệ, song nó cũng mang lại lợi nhuận rất cao.

Thái Lan là nước đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lan, nhiều nước Đông Nam á (Malaysia, Indonesia...) cũng có ngành lan phát triển mạnh không kém. Nước ta có điều kiện thuận lợi nhất trong khu vực, bởi có nguồn gen lan rừng vừa đa dạng vừa quý hiếm, thế nhưng ngành sản xuất hoa lan lại “đi muộn về sau”.

Nếu chỉ du nhập giống từ nước ngoài sẽ rất khó cạnh tranh được với những quốc gia sản xuất hoa tiên tiến, nhưng nước ta có một thế mạnh có thể làm mũi đột phá vào thị trường lan nước ngoài, đó là địa lan. Trên thế giới, giá bán địa lan luôn cao gấp 6 lần phong lan, vì chỉ có 3 khu vực trồng được địa lan trong thiên nhiên: Việt Nam (vùng Lâm Đồng, Đà Lạt), một số vùng của Australia và Nam Mỹ.

Đà Lạt là nơi sản xuất hoa lan sớm nhất cả nước với nguồn cây giống phong phú săn tìm trong rừng sâu. Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về nguồn lợi lan rừng với 101 chi và 396 loài, chiếm 55,3% về chi và 76,5% về loài lan rừng của Việt Nam. Không ít loài lan được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới mang tên Đà Lạt, 10/12 loài lan quý của Việt Nam phân bố ở vùng rừng Lâm Đồng. Những năm 1980, Đà Lạt đã xuất khẩu số lượng lớn cành hoa sang các nước Đông Âu.

Khi các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu tan rã, lan Đà Lạt bế tắc đầu ra, phải nhường chỗ cho những loài hoa dễ trồng, giá rẻ và vốn đầu tư thấp, dễ tiêu thụ như hồng, cúc, lay ơn... Nuôi cấy theo phương pháp thủ công lạc hậu dẫn đến nhiều giống hoa lan bị thoái hóa trầm trọng, bị bệnh lạ tấn công, khiến ở hầu hết các vườn lan, tỷ lệ cây chết lên tới 50 - 70%.

Những năm gần đây, ngành sản xuất hoa lan ở Đà Lạt đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Với công nghệ hiện đại, đã giúp làm giảm chi phí trồng từ 40.000-70.000 đồng/gốc lan trước đây, xuống chỉ còn 4.000-7.000 đồng/gốc. Sử dụng công nghệ nuôi cấy mô, và đặc biệt bằng phương pháp gây vết thương kết hợp nuôi cấy lỏng (một phương pháp rất mới mẻ).

TS. Dương Tấn Nhựt cùng các cộng sự ở Phân viện Sinh học Đà Lạt đã nhân giống thành công Hồng hài - loài lan hài duy nhất trên thế giới có hương thơm, được Tổ chức Bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới đưa vào danh mục thực vật cần bảo vệ bởi chỉ phân bố hẹp ở Việt Nam, khó sống, khó sinh sản.

Theo TS. Dương Tấn Nhựt, thành phố này là cỗ máy điều hòa khổng lồ cho phép sản xuất địa lan trong thiên nhiên theo hướng công nghiệp với chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia phải trồng lan trong nhà kính, có hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Lan Đà Lạt đã và đang mở rộng thị trường ra nhiều châu lục, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan...Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tiến hành khảo sát lập trang trại sản xuất hoa lan quy mô lớn bởi tiềm năng, triển vọng đầu tư tại Đà Lạt là rất lớn so với Trung Quốc và các nước ASEAN khác.