14:53 24/09/2012

“Thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội”

Vinh Nguyễn

Hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội là một phần quan trọng trong chiến lược "hai hàng lang, một vành đai kinh tế" Việt - Trung

Ông Đinh Nguyên Long, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết tại Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp Việt - Trung diễn ra hồi cuối tuần qua - Ảnh: Vinh Nguyễn.
Ông Đinh Nguyên Long, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết tại Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp Việt - Trung diễn ra hồi cuối tuần qua - Ảnh: Vinh Nguyễn.
Hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội là một phần quan trọng trong hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng và chiến lược "hai hàng lang, một vành đai kinh tế" Việt - Trung, ông Đinh Nguyên Long, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước hồi cuối tuần qua.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 9 (CAEXPO 9) tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cuối tuần qua đại diện gần 200 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, thiết bị, máy móc, vật liệu, chế biến nông sản của cả Việt Nam và Trung Quốc đã tham dự Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Quang Thịnh, Phó trưởng ban Quan hệ quốc tế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng trưởng với tốc độ trung bình 32 %/năm trong giai đoạn 2000-2010. Tổng kim ngạch thương mại 2 nước năm 2011 đạt 35,7 tỷ USD, tăng 30,7%.

Đầu tư lũy kế của Trung Quốc tại Việt Nam tính đến tháng 8/2012 có 866 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 4,52 tỷ USD, đứng thứ 14/96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, riêng tỉnh Quảng Tây có 133 dự án, với vốn đăng ký hơn 278 triệu USD; các địa phương ở Việt Nam có 23 dự án đầu tư tại Quảng Tây, với số vốn hơn 90 triệu USD.

Đại diện phía Trung Quốc, ông Đinh Nguyên Long, bổ sung thêm, năm 2011, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 7,57 tỷ USD, tăng 47,7% so với 2010, đứng đầu trong thương mại giữa Quảng Tây với ASEAN. 6 tháng đầu năm, con số này đã là 3,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây.

Ông Long cho biết, 2012 là năm thứ 10 ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN, nên đây là thời cơ tốt để mở rộng hơn lĩnh vực hợp tác thương mại giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội là sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành liên kết kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Hệ thống hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) gồm 3 nhóm, 7 tuyến: Đông-Tây (từ Đà Nẵng của Việt Nam-Lào-Thái Lan-Mawlamyine của Myanmar); Nam-Bắc (tuyến phía Tây Côn Minh-Lào-Bangkok; tuyến giữa Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng; tuyến phía Đông Nam Ninh-Hà Nội); và tuyến phía Nam Bangkok-Campuchia và một phần Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Long, Việt Nam và Quảng Tây cần cùng nhau hoàn thiện hệ thống giao thông, làm cơ sở phát triển hợp tác thương mại, như xây dựng các tuyến đường chất lượng cao nối từ cửa khẩu Hữu Nghị tới Hà Nội, các chặng từ Đông Hưng tới Móng Cái, Hải Phòng, Hà Nội, tăng cường quan hệ giữa các cảng biển của Quảng Tây với Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM.

Bên cạnh đó, hai bên cần cùng nhau xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia. Ông Long cho biết, Quảng Tây và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn của Việt Nam đã đạt được nhận thức chung về việc xây dựng các khu kinh tế xuyên biên giới như Bằng Tường - Đồng Đăng, Đông Hưng - Móng Cái. Tiếp theo đây, hai bên cần thúc đẩy để sớm biến điều đó thành hiện thực.

Cũng tại CAEXPO 9 hồi cuối tuần qua, một sự kiện khác cũng thu hút được sự chú ý, quan tâm của nhiều doanh nghiệp hai nước là Hội nghị Giao thương Việt - Trung. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức nhân dịp diễn ra hội chợ, giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm bạn hàng, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở cùng có lợi.

Tại đây, ông Đào Ngọc Chương, Phó vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, đã đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp 2 nước trong việc tranh thủ vị trí địa lý thuận lợi, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại phong phú, thiết thực như hội nghị giao thương này, khai thác một cách tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và Trung Quốc.