09:25 12/06/2008

Tin vắn thị trường thế giới ngày 11/6

P.V

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 11/6

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 11/6.

* Reuters 11/6, nhu cầu thép không gỉ phế liệu toàn cầu sẽ giảm trong quý III/2008, khi các nhà máy ở bán cầu Bắc nghỉ để bảo dưỡng. Hãng tái chế phế liệu thép không gỉ ELG Haniel Metals Ltd cho biết, hầu hết các nhà máy thép không gỉ đang thận trọng mua vào, họ chỉ mua đủ dùng, tránh dự trữ tăng.

Hiện giá phế liệu thép không gỉ khoảng 1.000 USD/tấn, so với 3.000-3.500 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo giá thép không gỉ phế liệu sẽ không giảm thêm nữa, bởi giá quặng sắt và hợp kim sắt chorome cao kỷ lục, do lo ngại nguồn cung ở Nam Phi giảm sút vì tình trạng thiếu điện triền miên. Nhu cầu được dự báo sẽ tăng bắt đầu từ quý 4/2008.

* Kyodo 11/6, giá cao su thiên nhiên tại Tokyo kỳ hạn tháng 11/2008 tăng lên 345,4 Yên/kg, từ mức 327,4 Yên/kg cuối tuần trước và cao hơn 11,9 Yên so với phiên trước. Theo Hiệp hội buôn bán cao su Nhật, dự trữ cao su thô tính đến ngày 20/5 của Nhật giảm 2,6% xuống 11.490 tấn.

Dự trữ cao su tại Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải giảm 9% xuống 18.995 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 6/6, sau khi giảm 17% trong tuần kết thúc vào 29/5. Giá các loại cao su để sản xuất săm lốp đã lên mức 3,15-3,25 USD/kg tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Các hãng sản xuất săm lốp và các Cty tiêu thụ cao su chủ chốt Trung Quốc đang tranh thủ mua dự trữ do lo ngại giá giao ngay đang cao kỷ lục có thể tiếp tục tăng hơn nữa.

* Xinhua 11/6, dự báo, nhu cầu kim loại màu phế liệu của Trung Quốc tiếp tục yếu một năm nữa, sẽ ảnh hưởng tới thị trường kim loại phế liệu toàn cầu. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ kim loại phế liệu lớn nhất thế giới. Uni-All Group Ltd (Mỹ) thu gom 50.000 tấn/năm kim loại mầu phế liệu ở Mỹ, châu Âu rồi chuyển sang Trung Quốc.

Sinomet Recycling thu mua kim loại mầu phế liệu từ châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ rồi bán khoảng 95% (6.000 tấn/tháng) sang Trung Quốc, song gần đây phải bán tất cả sang châu Âu. Nguyên nhân là do, giá kim loại thế giới tăng cao; luật hợp đồng lao động mới của Trung Quốc; Nhân dân tệ tăng giá so với USD; vay vốn ngân hàng khó khăn;dự trữ của Trung Quốc dồi dào.

* Reuters 11/6, giá gas tại California đã tăng lên mức 4,436 USD/gallon, mức cao nhất trong 50 bang của Mỹ. Tiếp theo là Connecticut và Alaska với giá 4,296 USD/gallon. Missouri có mức giá thấp nhất là 3,8 USD/gallon.

Tuần trước, người đứng đầu Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ(EIA), ông Guy Caruso cho hay, giá ga trung bình trên cả nước có thể đạt đỉnh điểm 4,1 USD/gallon trong tháng này, nếu giá dầu tăng từ 120 USD/thùng lên 125 USD/thùng, nhưng thực tế đã tăng mạnh hơn nhiều. Nhiều người còn dùng từ mạnh hơn là thực tế thị trường gas tại Mỹ đang ở tình trang báo động. Theo dự đoán, giá dầu có thể lên tới 150-200 USD/thùng, khi đó giá gas sẽ khoảng 5,75 USD/gallon.

* Reuters 11/6, Nhật đã phải nhập khẩu bột cá cao cấp từ Peru với giá 1.150 USD/tấn, cao gấp đôi so với năm 2005. Giá bột cá xuất khẩu của Peru sang Nhật đạt kỷ lục 1.450 USD/tấn tháng 4/2008. Giá dầu cá hiện đã tăng thêm 100 USD/tấn trong 1 tháng, lên 1.950 USD/tấn FOB, gấp đôi tháng 10/2007.

Các công ty Nhật cho rằng giá bột cá cao là do Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều trong chiến dịch ưu tiên phát triển gia súc, gia cầm để phục vụ Olympic 2008. EU dự định, từ tháng 11/2008 sẽ tăng nhu cầu dầu cá chứa EPA và DHA để sản xuất thực phẩm bổ dưỡng. Na Uy tăng cường nhập khẩu bột cá từ 10/2007 cũng là yếu tố đẩy giá bột cá lên cao. Nhật đang có ý định sản xuất thức ăn gia súc từ thực vật như ngô, đậu nhằm giảm bột và dầu cá đang có giá cao.