09:31 02/06/2008

Tin vắn thị trường thế giới ngày 30/5

P.V

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 30/5

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 30/5.

* Reuters 30/5, Uzbekistan đang hy vọng sẽ thu hoạch 3,6 triệu tấn bông thô năm 2008, giảm nhẹ so với 3,65 triệu tấn năm ngoái. Uzbekistan là một trong những nước xuất khẩu bông hàng đầu thế giới. Bộ nông nghiệp Uzbekistan cho biết, diện tích trồng bông của nước này năm nay đạt 1,39 triệu ha, không đổi so với năm ngoái.

Vụ thu hoạch bông tại Uzbekistan năm nay bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Năm 2007, sản lượng bông sợi của Uzbekistan ước đạt 1,125 triệu tấn, giảm so với 1,171 triệu tấn năm 2006. Xuất khẩu bông đem lại cho Uzbekistan khoản doanh thu 1,12 tỷ USD/ năm, tương đương 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

* Agroviet 30/5, giá gạo thô Chicago giảm hai phiên liền, do giá gạo châu Á giảm. Giá giao tháng 7/2008 giảm 1,15 USD/cwt, xuống 18,45 USD/cwt. Có khoảng 30 hợp đồng chưa được thực hiện, cả hợp đồng tháng 7 và 9/2008, khiến thị trường xuống dốc thảm hại lúc đóng cửa.

Giá gạo bắt đầu hạ từ mức cao kỷ lục cuối tháng 4/2008 nhờ dấu hiệu về nguồn cung thế giới cải thiện và Việt Nam sẽ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 7/2008, tiếp sau quyết định xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Campuchia. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu Thái Lan hiện ở mức 820 USD/tấn, so với 1.050-1.090 USD/tấn ngày 28/5. Người dân Bangladesh hy vọng rằng giá gạo thế giới giảm sẽ góp phần giảm giá gạo tại nước này hiện đã tăng gấp 2 lần trong 1 năm, lên 40 Taka (58 UScent)/kg.

* Reuters 30/5, Công ty Thương mại Thép và Quặng Trung Quốc cho biết, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao, song sẽ giảm xuồng trong dài hạn. Dự kiến, sản lượng quặng sắt sẽ tăng ít nhất 12% năm 2008, đạt 792 triệu tấn, tăng 85 triệu tấn so với năm ngoái và tỷ lệ tăng sản xuất thép thô là gần 10%, thấp hơn 27% năm 2005.

Cùng với tốc độ phát triển mạnh của ngành khoáng sản nội địa và việc mở rộng công suất sản xuất ra nước ngoài, cán cân cung- cầu quặng sắt Trung Quốc sẽ bớt chênh lệch, Trung Quốc sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu. Quý 1/2008, Trung Quốc đã nhập khẩu 110 triệu tấn quặng sắt, trị giá 14, 132 tỷ USD, tăng 10,5% và 99,5%. Giá nhập khẩu trung bình đạt 128,47 USD/tấn, tăng 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Reuters 30/5, giá CIF dầu dừa tháng 6/2008 đạt 1.530-1.550 USD/tấn Rotterdam; tháng 7-8/2008 là 1.510 USD/tấn, tăng 30-60 USD/tấn so với tuần trước. Dự đoán, xuất khẩu dầu dừa của Philippines tháng 5/2008 đạt khoảng 40.000-50.000 tấn, giảm so với 120.000 tấn tháng 4/2008.

Việc thiếu chắc chắn về khối lượng xuất khẩu đậu tương Nam Mỹ và nỗi lo về thời tiết ở những khu vực trồng đậu tương của Mỹ đang hậu thuẫn cho giá dầu dừa. Trong khi đó, dự trữ dầu dừa ở Rotterdam giảm sút, càng hỗ trợ xu hướng giá tăng, bởi nó khuyến khích hoạt động mua vào, đặc biệt là những hợp đồng kỳ hạn gần. Giá dầu mỏ đứng ở mức cao cũng góp phần tăng nhu cầu dầu dừa để sản xuất nhiên liệu sinh học cùng là yếu tố nâng đỡ giá dầu dừa.

* New Delhi 30/5, Uỷ ban Chè Ấn Độ nhận định, ngành chè nước này sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong năm nay, đặc biệt về xuất khẩu. Xuất khẩu chè tài khoá 2008 sẽ vẫn đạt 200 triệu kg như năm ngoái.

Nga là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Ấn Độ, tiếp đến là Anh và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Ai Cập, Iran, Irắc cũng là những thị trường quan trọng. Năm 2007, Ấn Độ đã xuất khẩu sang Ai Cập 4,9 triệu kg chè và dự kiến sẽ xuất tiếp 8-10 triệu kg năm nay. Dubai là thị trường mới nổi về tái xuất khẩu chè từ Ấn Độ. Dubai nhập khẩu chè Ấn Độ và tái xuất khẩu sang các nước khác. Hiện Ấn Độ là nước sản xuất chè đen lớn nhất thế giới. Tiêu thụ chè của Ấn Độ năm 2007 đạt 945 triệu kg.