09:30 19/08/2009

Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ được trao nhiều quyền hơn

Y Nhung

Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ có nhiều quyền hơn trong thực thi nhiệm vụ của mình

Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thực thi, người tiêu dùng nước ta sẽ bớt "cô đơn" trong các vụ kiện. Ảnh minh họa
Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thực thi, người tiêu dùng nước ta sẽ bớt "cô đơn" trong các vụ kiện. Ảnh minh họa
Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ có nhiều quyền hơn trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Nhận xét trên đã được đông đảo các đại biểu tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng cùng chia sẻ.

Dự thảo luật gồm 9 chương, 71 điều, sáng 18/8, đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức lấy ý kiến, tại Hà Nội.

Quyền khởi kiện

Theo đó, khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội thông qua, dự kiến vào cuối năm 2010, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ có những quyền như: Tiếp nhận các khiếu nại của người tiêu dùng và tổ chức hòa giải giữa người tiêu dùng với thương nhân; Đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới thương nhân; Tố cáo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật của thương nhân; Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tổ chức này còn có quyền kiến nghị về hành vi hành chính, quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; tham gia ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước về pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều kiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là tổ chức này phải có ít nhất 5 năm hoạt động, tính đến thời điểm khởi kiện và có ít nhất 100 người tiêu dùng tham gia khởi kiện.

Ông Đặng Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: Quy định này không chỉ làm giảm chi phí khiếu kiện cho người tiêu dùng mà còn giúp họ có nhiều khả năng thắng kiện hơn trong các vụ việc lớn như: Nước tương có chứa chất 3-MCPD, xăng pha aceton…

Tuy nhiên, ngay cả khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, nếu người tiêu dùng mua vẫn giữ thói quen mua hàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ, không có đăng ký kinh doanh thì quyền lợi của những người đó cũng rất khó được đảm bảo.

“Hiện ở nước ta có khoảng 2 triệu người kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, nhưng đối tượng điều chỉnh của luật này chỉ là thương nhân, tức là những người kinh doanh có đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm.

Hợp đồng theo mẫu không cần đăng ký

Cũng để người tiêu dùng bớt thiệt thòi trong quan hệ với thương nhân, dự thảo luật còn quy định, hợp đồng mẫu đối với một số mặt hàng thiết yếu như: điện, nước…thương nhân phải đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi đưa vào sử dụng.

Nhưng theo ý kiến của bà  Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học Pháp lý thì điều này là không cần thiết vì: Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, thương nhân đã phải dành cho người tiêu dùng một khoảng thời gian hợp lý để nghiên cứu.

Người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp không đồng ý với nội dung của hợp đồng theo mẫu.
.
Thêm nữa, cơ quan Nhà nước về bảo vệ nguời tiêu dùng có quyền yêu cầu thương nhân hủy bỏ hoặc sửa  đổi hợp đồng mẫu theo đề nghị của người tiêu dùng, hoặc trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, cũng như quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến hợp đồng mẫu.

TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm Pháp luật cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng quy định nêu trên là không cần vì cả thương nhân và người tiêu dùng đều được phép đơn phương tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Kết quả hòa giải phải được công khai

Được đánh giá là trọng tâm của dự thảo luật, chương V đã quy định khá cụ thể việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân.

Theo dự thảo luật: Việc hòa giải phải được thực hiện trên nguyên tắc khách quan, trung thực, thiện chí. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Duy Tiến, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, nếu việc hòa giải được thực hiện không công khai để đảm bảo bí mật thông tin cho các bên tham gia hòa giải (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác) là không hợp lý.

Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Tiến cho rằng: Quá trình hòa giải có thể được tiến hành bí mật, nhưng đã có kết quả phải công khai, vì có những sản phẩm, người bị thiệt hại không phải là trường hợp duy nhất. Do vậy, thông tin sau hòa giải cần phải được công bố để những người tiêu dùng khác có thể biết về quyền lợi của mình.