10:19 09/12/2009

Tp.HCM: Tin đồn đẩy giá gạo tăng vọt

Kim Dũng

Tại Tp.HCM, giá bán lẻ gạo đang lên mức cao nhất trong năm 2009 nhưng nhiều chủ tiệm gạo không còn hàng để bán

Giá gạo bán lẻ đang tăng lên mỗi ngày.
Giá gạo bán lẻ đang tăng lên mỗi ngày.
Tuần qua, nhiều người dân cả tin, nghe theo những tin đồn thất thiệt mua gạo về dự trữ đã gây những cơn sốt giá “ảo”.

Đặc biệt ở Tp.HCM, giá liên tục tăng, nhiều tiểu thương kinh doanh gạo trong tình trạng cháy hàng, vì chủ tiệm gạo không còn gạo để bán, đẩy giá bán lẻ lên mức cao nhất trong năm 2009.

Hầu hết các loại gạo bán ở các chợ ở Tp.HCM đều tăng giá, ít nhất 500 - 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên hiện lúa trong dân cũng như tại kho dự trữ của Nhà nước đang còn rất nhiều và không thiếu như tin đồn ngoài xã hội.

Để tạo bình ổn giá cả vừa đảm bảo có lợi cho người nông dân, vừa không gây hỗn loạn thị trường, Chính phủ vừa có công văn yêu cầu phải chấn chỉnh tình trạng này. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tp.HCM khẳng định: “Không hề có việc nguồn cung gạo khan hiếm và sẽ không có tình trạng sốt gạo xảy như hồi năm ngoái. Công ty còn tồn kho khoảng 30 nghìn tấn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Hệ thống siêu thị Co.opmart hồi đầu tháng 12 cũng khẳng định ổn định giá cho đến cuối năm. Saigon Co.op đã có kế hoạch dự trữ, đồng thời đàm phán với 10 nhà cung cấp lớn đảm bảo đủ lượng gạo cung cấp cho người tiêu dùng với mức giá bình ổn. Động thái này đã làm hạ nhiệt giá gạo trên địa bàn và dập tắt tin đồn khan hiếm gạo làm tăng giá. Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang vào vụ thu hoạch nên sản lượng lúa cung cấp cho thị trường đã tăng lên, do đó giá lúa gạo đã bắt đầu ổn định. Theo nhận định của các chuyên gia giá lúa gạo sẽ ổn định từ nay đến sau Tết Canh Dần 2010, vì vậy rất khó xảy ra việc giá lúa gạo trong nước sẽ tăng đột biến.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Lương thực - Thực phẩm Vĩnh Long cho biết: “Công ty đang mua lúa thường ở mức giá cao 4.600 đồng/kg lúa chất lượng cao tồn từ vụ Đông-Xuân là 5.300 đồng/kg”. Tại Tiền Giang, giá lúa thường là 4.500 đồng/kg cuối tuần trước hiện lên 5.500 đồng/kg, lúa ướt giá 5.000 đồng/kg nhưng vẫn không có để mua.

Tại tỉnh Bạc Liêu, lúa thơm đang được thương lái đến tận ruộng mua với giá 5.200 đồng -7.000 đồng/kg tùy loại, tăng 500đồng - 1.000 đồng /kg so với cuối tuần trước. Gía lúa gạo liên tục tăng nhanh trong mấy ngày qua khiến nhiều người lo ngại, liệu có xảy ra tình trạng “sốt” gạo bất ngờ như năm 2008? Ông Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết:  “Hiện một số doanh nghiệp đã có hợp đồng nhưng không có kho trữ gạo trước buộc lòng đẩy nhanh tiến độ mua vào để hạn chế lỗ. Hiện nay chỉ riêng công ty vẫn còn đến 70.000 tấn đã mua trữ theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Trước tình hình giá gạo trong nước và thế giới đang có xu hướng tăng cao, Thủ tướng vừa có công văn yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành chủ động các biện pháp điều hoà cung cầu, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng lương thực trong cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp.HCM và một số đô thị lớn. Đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chủ động nguồn hàng, không để tình trạng xảy ra thiếu cục bộ trên địa bàn. Các đơn vị phải có giải pháp kịp thời để vừa tiêu thụ hết lượng lúa hàng hoá cho nông dân vừa xuất khẩu hiệu quả, không để gây đột biến về giá.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: dù giá lúa gạo đang tăng, nhưng giá gạo trong nước vẫn đảm bảo và không gây sốt do đầu cơ, tích trữ như những năm trước. Hiệp hội Lương thực cũng chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên địa bàn phải duy trì lượng gạo dự trữ lưu thông theo qui định, sẵn sàng tham gia thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân, sẽ có hình thức xử lý nghiêm hành vi đầu cơ gây đột biến giá trên thị trường.

"Nhân dân không nên nghe tin đồn thất thiệt đi mua gạo dự trữ làm ảnh hưởng chung đến thị trường. Chúng tôi bảo đảm tình huống nếu giá tiếp tục lên, các địa phương yêu cầu là ngành lương thực trong hệ thống kinh doanh sẽ đưa gạo ra can thiệp bán trên thị trường”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ cũng khẳng định "từ nay đến Tết chúng ta không thiếu lương thực, hiện nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực là 1,4 triệu tấn gạo, trong đó chúng ta có kế hoạch từ nay đến cuối năm chỉ xuất khẩu khoảng 400 ngàn tấn, có nghĩa là vẫn còn 1 triệu tấn gạo để chuyển sang năm 2010, cho nên không có tình trạng thiếu lương thực và không có điều kiện để giá gạo đột biến tăng như năm 2008”.

Hiện nay lượng gạo còn tồn kho rất cao nhưng để tạo bình ổn thị trường, không để tăng giá đột biến ảnh hưởng đến người tiêu thụ, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết tránh để sốt giá do thông tin sai lệch tranh mua, tranh bán, đầu cơ tích trữ.