09:56 10/07/2009

Từ "đường bay vàng" đến "đường bay ấp ủ"

Xuân Thái

Vì sao Cục Hàng không Việt Nam không thật sự mặn mà với "đường bay vàng"?

Tác giả Mai Trọng Tuấn trình bày về đường bay vàng - Ảnh: Đình Thắng.
Tác giả Mai Trọng Tuấn trình bày về đường bay vàng - Ảnh: Đình Thắng.
Sáng 9/7, tại trụ sở Cảng vụ miền Nam, sân bay Tân Sơn Nhất đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Cục Hàng không Việt Nam cùng ông Mai Trọng Tuấn, tác giả Đề án mở đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM dọc theo kinh tuyến 106° đông, các chuyên gia hàng không và báo giới.

Theo tác giả Mai Trọng Tuấn, Cục Hàng không Việt Nam đã không công bằng khi đáp trả thiện chí cùng những ấp ủ từ lâu của ông về đường bay thẳng  106°đông Hà Nội - Tp.HCM, bằng việc “từ chối thẳng thừng” với những lập luận mà ông Tuấn cho là “không thuyết phục”. Ông Tuấn cho biết: “Tôi sẽ tranh luận đến cùng, bởi đây là lợi ích của quốc gia!”.

"Đường bay ấp ủ"

Ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhẹ nhàng mở đầu cuộc gặp: “Việc hoạch định một kế hoạch hoạt động và phát triển cho ngành hàng không sao cho có lợi nhất luôn là một chủ trương xuyên suốt từ nhiều năm qua.Việc rút ngắn đường bay, không phải chỉ cho Việt Nam mà là xu hướng chung của thế giới khi lợi nhuận kinh tế và thời gian tiết kiệm phải được tính bằng từng giây, nhất là trong gian đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay”.

Ông Thanh phân tích thêm: “Hiện nay, ngành hàng không được xem là ngành gây ô nhiễm bầu trời nhiều nhất với lượng khí thải carbon khổng lồ vào bầu khí quyển hàng năm mà không ngành nào có thể sánh kịp. Vì vậy, rút ngắn hay nắn chỉnh đường bay để giảm thải khí thải luôn được xem là yêu cầu bức thiết đối với môi trường toàn cầu.

Để làm được việc này, ngành hàng không đã xúc tiến việc thành lập tổ nghiên cứu liên ngành bao gồm Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm đường bay, Cục Tác chiến quân chủng phòng không không quân, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines,... nên dù vì lợi ích chung, chưa thể một sớm một chiều đạt được điều mong muốn”.

Ông Thanh cũng thông tin cho biết là đã từng tham gia đoàn đàm phán của Cục Hàng không với 2 nước Lào và Campuchia ngay từ những ngày đầu, và hiện nay cũng đang xúc tiến với phía bạn.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Võ, Trưởng Ban quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Ngành hàng không 2 nước Lào và Campuchia còn yếu, bạn chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động hàng không nên đối với bạn, lợi cũng sẽ không nhiều trong khi phía Việt Nam phải hao tốn do chi phí quá cảnh hàng không phải trả cho họ”.

Cũng theo ông Võ, nhà chức trách đương cục Campuchia cho biết, chưa đảm bảo an toàn cho phía Việt Nam vì hàng không nước này do tư nhân kiểm soát, lại phụ thuộc vào người Thái. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, việc tranh luận và cùng ngồi lại để tìm ra một giải pháp tối ưu là rất cần thiết vì lợi ích quốc gia.

Tại cuộc gặp này, ông Thanh cũng đã nói đến ý tưởng “đường bay ấp ủ” (còn gọi là đường bay xuyên Đông Dương). Đó là đường bay Nam Hà - Vilao - Paske, có hành trình dọc theo kinh tuyến 106° đông, gần trùng khớp với đường bay vàng của Mai Trọng Tuấn. Ông Thanh giải thích: “Đây là ý tưởng và ấp ủ từ lâu của ngành hàng không Việt Nam chúng tôi, với mong muốn có được một đường bay ngắn nhất nhằm có thể khai thác các sân bay Vilao và Paske của Lào, và hiện nay chỉ còn thương lượng với Campuchia mà thôi”.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, thực chất, "đường bay ấp ủ” của Cục Hàng không Việt Nam chỉ là sự chi tiết hóa và tối ưu hóa đường bay “vàng” mà thôi! “Theo tôi, Cục Hàng không Việt Nam khó có thể thừa nhận việc họ đưa ra ý tưởng này là xuất phát từ ý tưởng của Mai Trọng Tuấn. Bởi tính đến nay, đường bay 106°đông đã là đường bay tối ưu nhất rồi”, ông nói.

Ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng thừa nhận: “Hơn 20 năm trước, ý tưởng đường bay 106° đông đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, và cho đến nay, nó vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi thế, rất khó người nào bây giờ đề xuất một đường bay mới, lại không mang hình bóng ý tưởng của tác giả đường bay “vàng”.

Quyền lợi khách hàng bị bỏ rơi?

Ông Phan Xuân Đức phân tích các lợi ích mà đường bay thẳng tạo ra, từ việc rút ngắn gần 200 km như sau: đường bay hiện tại dài 1.265 km, bay hết 97 phút, ngốn 10.105 kg nhiên liệu; bay 106° đông tính tương đương là 1.154 km – 90 – 9.149; tiết kiệm được 7 phút bay và 111 km; nhưng vì bay quá cảnh phải trả tiền cho nước bạn, nên chỉ còn lợi được 42 USD và hụt mất 169,5 kg nhiên liệu.

Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines tập trung phân tích những lợi ích về kinh tế cũng như yếu tố an ninh quốc phòng, mà tuyệt nhiên, vấn đề quyền lợi khách hàng không được nhắc đến, hay nhắc đến một cách thỏa đáng.

Theo chuyên gia Lê Trọng Sành: “Với thời buổi thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, thì vấn đề thời gian được tính bằng từng giây. Hạ cánh sớm được phút nào hay phút đó. Hầu hết các sự cố, tai nạn máy bay trong lịch sử hàng không, thường xảy ra vào lúc chuẩn bị hạ cánh. Không ít trường hợp tại nạn thảm khốc xảy ra (kể cả tại Việt Nam thập niên 70 thế kỷ trước), là do máy bay hạ cánh trễ chỉ vài phút. Bất luận có những khó khăn hay trắc trở nào, phải xem tính mạng hành khách là trên hết chứ không phải lợi nhuận”.

Mặc dù ông Lại Xuân Thanh khẳng định: “Chưa bao giờ Cục Hàng không Việt Nam có ý định cản trở việc mở đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM”, và “chia sẻ với ý tưởng tốt đẹp cũng như sẽ bắt tay vào cuộc đường bay thẳng trong thời gian sắp tới; nhưng rất nhiều chuyên gia không tin rằng việc mở đường bay 106° đông sẽ sớm thành hiện thực.

“Họ chỉ hạ nhiệt quả bóng mà không thấy nhiều thiện chí!”, chuyên gia Lê Trọng Sành và PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cùng nhận xét.