15:07 17/02/2010

Từ “yêu Việt Nam” đến “mua Việt Nam”

Nếu như ở trong nước bán hàng Việt Nam khó một thì ở nước ngoài bán hàng Việt Nam khó mười!

Hình ảnh các nhà hàng Việt Nam đang trở nên phổ biến ở nhiều nước từ Đông sang Tây.
Hình ảnh các nhà hàng Việt Nam đang trở nên phổ biến ở nhiều nước từ Đông sang Tây.
Mới đó đã 30-40 năm, bạn đọc nào trên 45 tuổi có còn nhớ: ngày xửa ngày xưa ở Sài Gòn có những chiếc xe ba gác bán xà phòng, đi rong các ngõ hẻm?

Chuyện xưa: Xà phòng “Cây đờn” và “Cô Ba”

Ở khu Bàn Cờ của tôi, ngày nào cũng thấy một ông già mập mạp, mặc quần soóc ka ki, đội nón cối nhựa trắng tinh, đẩy xe ba gác một cách thong thả. Và rồi, một lời rao chầm chậm: Ai…x-à p-h-ò-n-g?

Trên xe trưng ra những bánh xà phòng màu xanh lá dứa, màu trắng sữa, màu nâu dầu mỡ, trông… ngon miệng như phô mai. Xà phòng xanh và trắng đều mang hiệu “Cây đờn”, có hình một chiếc violon hẳn hoi. Xem ra thuở ấy, đầu óc marketing của nhà sản xuất đã biết chú ý đến những khách hàng “bình dân”, tuy xài hàng rẻ tiền nhưng hình ảnh đập vào mắt phải là “cao cấp”, mới “oách”.

Các xóm lao động và quán xá bình dân đều xài xà phòng “Cây đờn” màu xanh để rửa tay, tắm táp. Còn xà phòng “Cây đờn” màu trắng thì dùng để giặt giũ. Cả hai “Cây đờn” xanh và trắng, đều thoang thoảng mùi dầu dừa, được ép thành từng “cây”, như cây thuốc lá, bọc trong giấy trắng, nửa ký một. Nếu không mua cả cây mà mua từng miếng thì người bán cứ lấy dao xắt từng khoanh, dễ dàng hơn cắt bánh.

Dường như mỗi khoanh khi ấy giá 1-2 đồng, trong lúc tô phở giá 20 đồng. Ngoài “Cây đờn”, còn có một loại xà phòng rẻ hơn nữa, gọi là “xà phòng đá”. Đó là xà phòng từng tảng lớn hoặc cục vuông vuông, cứng ngắc, màu nâu lấm lem như mỡ bôi xe. Xà phòng đá dùng để kỳ cọ nhà cửa, nồi niêu, xe cộ. Nhà ai nghèo quá thì dùng xà phòng đá cho “bá nghệ”.

Loại “sang” hơn xà phòng “Cây đờn” là xà phòng “Cô Ba”, cũng do xe ba gác “cõng” đi! Loại này đựng trong hộp giấy, cỡ bằng hộp quẹt hoặc bao thuốc lá. Trên vỏ hộp có ảnh chân dung “Cô Ba”. Trong ảnh, “Cô Ba” là một bà mẹ Nam bộ búi tóc, mặc áo dài, đeo dây chuyền, gương mặt trái xoan phúc hậu. Tuy “Cô Ba” trông quyền quý nhưng không kiêu sa! Vả lại, loại xà phòng này không mắc lắm.

Mắc hơn và sang nữa, thì có xà phòng thơm “Cô Ba” với bao bì nhiều loại. Tôi nhớ dường như có ba loại màu: nhung đỏ, cam và trắng bạc. Mua một hộp có ba loại hay mua từng loại đều được. Cả ba loại xà phòng thơm “Cô Ba” trông lộng lẫy và thơm không kém xà phòng Mỹ. Xà phòng “Cây đờn” và xà phòng “Cô Ba” đều là sản phẩm của hãng “Trương Văn Bền và các con” - khởi nghiệp từ thời Pháp thuộc, về sau đổi tên là “Hãng xà phòng Việt Nam”.

Những năm 1960-1970, lúc đó đang chiến tranh, theo chân lính Mỹ, xà phòng Mỹ các loại, từ xà phòng thơm Camay đến xà phòng bột Tide, bắt đầu tràn ngập miền Nam. Giá các loại xà phòng Mỹ không quá mắc vì chủ yếu là hàng quân tiếp vụ tuồn ra, chứ không qua nhập cảng chính thức. Thêm nữa, xà phòng Mỹ có bao bì rất đẹp, chất lượng tốt, đặc biệt là xà phòng thơm có mùi hương đậm đặc, nên chẳng mấy chốc thâm nhập được nhiều gia đình và hàng quán thành thị.

Không riêng xà phòng, nhiều hàng hóa tiêu dùng Mỹ, Nhật, Đài Loan theo chân viện trợ Mỹ, ồ ạt vào miền Nam đã làm gia tăng bệnh “chuộng hàng ngoại”. Thời ấy, đã phát khởi một cuộc chiến giữa hàng “nội hóa” và “ngoại hóa” tuy không ầm ĩ nhưng cũng quyết liệt.

Trong cuộc cạnh tranh đó, xà phòng “Cô Ba” và “Cây đờn” vẫn tồn tại được lâu dài cho đến sau năm 1975 như một thương hiệu Việt Nam uy tín. Có lẽ “Cô Ba” và “Cây đờn” thắng được là nhờ biết chuyển qua cách “đánh du kích”, chiếm lĩnh thị phần bình dân đông đảo thông qua tiểu thương các chợ, các tiệm tạp hóa và những chiếc xe ba gác cần cù.

Hơn nữa, việc vẫn giữ nhãn hiệu và hình ảnh “Cô Ba” rất Việt Nam, chứ không biến thái sang những tên gọi ngoại nhập hay lai căng khác, chính là một bí quyết quan trọng để chinh phục khách hàng Việt Nam.

Câu chuyện xà phòng “Cô Ba” chính là bài học rất sống động và giá trị về tính yêu nước và cách thức sử dụng “vũ khí yêu nước” trong bán hàng Việt Nam.

Chuyện nay: Hàng Việt Nam đi Đông đi Tây

Nếu như ở trong nước bán hàng Việt Nam khó một thì ở nước ngoài bán hàng Việt Nam khó mười! Có lần qua Mỹ, đi mua sắm ở bách hóa Macy tại Los Angles sau mùa Giáng sinh, tôi ngạc nhiên trông thấy những chiếc áo gió hiệu Nike quen thuộc nhưng... “made in Vietnam”. Quả thật, cho đến nay thỉnh thoảng đi nước ngoài gặp được hàng Việt, tôi bỗng có cảm nhận “tha hương ngộ cố tri”, mừng hơn “bắt của lạ”.

Cho đến giờ, ống kính của tôi không thể bỏ quên hình ảnh những chiếc nón lá Việt Nam, trái cây sấy khô Vinamit, kẹo dừa Bến Tre, xuất hiện ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Singapore, Thái Lan và Malaysia. Những gói cà phê Trung Nguyên, bánh phồng tôm Sa Đéc, bánh phở Vissan, các loại thực phẩm đóng gói ở trong nước, gốm sứ Minh Long, quần áo, giày dép “made in Vietnam”… dần dần có mặt ở các cửa hàng bách hóa, siêu thị ở nhiều nước Âu-Mỹ.

Trong khi ấy, có một mặt hàng Việt Nam độc đáo đang trở nên phổ biến ở nhiều nước từ Đông sang Tây là ẩm thực Việt Nam! Ngày nay, khi nói đến món ăn Việt Nam ưa thích, nhiều người nước ngoài đã kể tên luôn bằng tiếng Việt các món phở, nem (chả giò), bún bò. Các nhà hàng lớn nhỏ của người Việt Nam ở khắp năm châu không chỉ là nơi gặp gỡ đồng hương mà còn thu hút được người dân bản xứ. Ngoài ẩm thực Việt Nam, khách vào cửa hàng còn được thưởng thức văn hóa Việt Nam (hình ảnh, âm nhạc, tranh tượng, ngôn ngữ…).

Càng thêm vui khi ra nước ngoài bỗng gặp không chỉ nhà hàng của người Việt mà còn gặp người Thái, người Hàn Quốc, người Hoa, người Philippines mở nhà hàng Việt Nam ở nhiều nước xa gần. Có được một bức tranh hàng hóa Việt Nam nhộn nhịp ở nước ngoài như thế là nhờ công sức của không những người Việt trong nước mà còn là phần đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại.

Cũng giống như trên thị trường nội địa, việc bán hàng ở nước ngoài đòi hỏi không chỉ chất lượng hàng hóa. Một điều kiện khác không thể thiếu là kỹ thuật tiếp thị và bán hàng. Nếu như trên sân nhà, các doanh nghiệp có thể dùng thêm “vũ khí yêu nước” để chiếm trọn con tim của khách hàng thì tại thị trường hải ngoại, vũ khí ấy càng không thể thiếu !

“Vũ khí yêu nước” trước nhất trong việc bán hàng xa xứ chính là văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đã biết lấy những cái tên Việt Nam nổi tiếng và dễ nhận diện để xây dựng thành thương hiệu: Sài Gòn, Hà Nội, Chợ Lớn, Nha Trang, Hạ Long, Sapa, Mêkông, Bến Thành. Nhiều tiệm ăn Việt Nam, những khu mua sắm, những cửa hàng nhỏ đã mang những cái tên thân thương đó đưa vào mắt người tiêu dùng nước ngoài. Logo hàng hóa càng mang biểu trưng độc đáo của Việt Nam như trống đồng, tre xanh, áo dài, nón lá, bản đồ hình chữ S, chùa Một Cột, Khuê Văn Các, cung đình Huế… càng làm hàng hóa Việt Nam gây được sự tò mò, hấp dẫn với khách tiêu dùng phương xa.

Làm sao cho khách hàng ngoại từ “yêu Việt Nam” đến “mua Việt Nam” (love Vietnam, buy Vietnam) và từ “mua Việt Nam” đến “yêu Việt Nam” là cả một nghệ thuật chứa đựng không chỉ kiến thức thương mại và nhân văn sành sõi mà còn phải có phương châm và triết lý yêu nước nồng cháy.

Một mình doanh nghiệp Việt Nam tự làm chuyện ấy, dĩ nhiên chưa đủ. Các doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt động ngoại giao và xúc tiến thương mại, các diễn đàn đầu tư và giao lưu văn hóa - giáo dục ở nước ngoài. Các ngành ngoại giao, kế hoạch và đầu tư, công thương, giáo dục, văn hóa, du lịch nên “liên quân” nhiều hơn để tạo ra những sự kiện tiếp thị quảng bá hình ảnh Việt Nam toàn diện, trong đó hàng hóa Việt Nam là phần không thể thiếu. Các hội đoàn kinh doanh và xã hội cũng sẽ góp vào nhiều sáng kiến, hoạt động phong phú khi Nhà nước làm gương đi trước.

Mặt khác, ngay tại trong nước, chúng ta không chỉ tôn vinh những người bán hàng Việt Nam giỏi ở nội địa mà còn đẩy mạnh hơn việc tôn vinh bằng những ưu đãi thiết thực những người bán hàng Việt Nam ra hải ngoại.

Phúc Tiến (TBKTSG)