08:20 16/04/2012

Tuần qua, thị trường hàng hóa thế giới liên tục có sóng lớn

Diệp Anh

Giá hàng hóa từ năng lượng cho tới kim loại, nông sản đã trải qua một tuần tăng giảm chóng mặt

Thông tin kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã liên tục tạo ra những đợt sóng lớn trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Thông tin kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã liên tục tạo ra những đợt sóng lớn trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Giá hàng hóa từ năng lượng cho tới kim loại, nông sản đã trải qua một tuần biến động mạnh mẽ, do chịu tác động bởi nhiều tin tức kinh tế vĩ mô trái chiều nhau.

Thông tin kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã liên tục tạo ra những đợt sóng lớn trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.

Dầu thô trượt giảm 0,5%

Tính cả tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thô hợp đồng trên sàn New York đã giảm 0,5%. Chốt phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 giảm 81 cent, tương ứng 0,8%, xuống còn 102,83 USD/thùng. Đây là tuần giảm giá thứ 4 của dầu thô trong vòng 5 tuần lễ liên tiếp trước đó.

Những thông tin kinh tế quốc tế chính có ảnh hưởng sâu rộng tới thị trường dầu thô trong tuần là báo cáo việc làm tại Mỹ, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha, Italy, tăng trưởng GDP quý 1/2012 của Trung Quốc và cuộc hội đàm giữa Iran và Nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân của Tehran.

Cùng giảm giá như dầu thô trong phiên cuối tuần song xăng và dầu sưởi vẫn giữ đà đi lên khi tính cả tuần giao dịch. Cụ thể, chốt tuần, xăng tháng 5 hạ 1 cent (-0,3%) xuống 3,35 USD/gallon; dầu sưởi hạ 1 cent (-0,3%) xuống 3,17 USD/gallon. Tính cả tuần, xăng và dầu sưởi cùng tăng 0,2%.

Trong khi đó, khí tự nhiên giao tháng 5 giảm giá tuần thứ 4 liên tiếp, với mức hạ tới 5,2% trong tuần. Kết thúc phiên chốt tuần qua, giá mặt hàng năng lượng này chỉ hạ nhẹ khoảng 0,1% xuống 1,98 USD/ triệu BTU, nhưng đây cũng là mức chốt thấp nhất của khí tự nhiên kể từ cuối tháng 1/2002.

Giá vàng vẫn tăng 1,8%

Phiên cuối tuần trước, giá vàng giao tháng 6 trên sàn New York giảm 20,40 USD/ounce, tương ứng 1,2%, xuống 1.660,20 USD/ounce. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá mặt hàng kim loại quý này vẫn tăng được 1,8% nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ áp dụng biện pháp mới kích thích kinh tế.

Trên thị trường giao ngay, giá vàng phiên 13/4 cũng giảm 1,2% xuống còn 1.654,5 USD/ounce, nhưng vẫn tăng 2,4% trong cả tuần.

Tuy nhiên, các mặt hàng kim loại khác như bạc, đồng... không có được sự "may mắn" như vàng khi để tuột giá mạnh trong cả tuần giao dịch vừa qua. Cụ thể, giá bạc giao tháng 5 giảm tới 3,5% trong phiên chốt tuần xuống 31,39 USD/ounce. Mức giảm chung cả tuần của kim loại kỳ hạn này là 1,1%.

Giá đồng giao tháng 5 giảm 2,5% xuống 3,63 USD/lb trong phiên 13/4 và hạ tới 4,5% trong cả tuần. Giá bạch kim giao tháng 7 chốt tuần giảm 1,1% xuống 1.587,90 USD/ounce và giảm 1,3% trong tuần. Palladium tháng 6 hạ 0,9% xuống 647,2 USD/ounce phiên 13/4 và hạ 0,4% trong tuần.

Thị trường nông sản ngập đỏ

Ngoại trừ giá cacao có sự đi lên khá mạnh trong phiên cuối tuần, với mức tăng 57 USD, tương ứng 2,66%, lên 2.200 USD/tấn, hầu hết các mặt hàng nông sản khác đều giảm giá tương đối mạnh. Trong đó, cà phê hạ 2,2% xuống 180,2 cent/lb, đường thô thế giới giảm tới 3,02% xuống 22,81 cent/lb.

Giá ngô kỳ hạn giảm 0,89% xuống còn 615,25 cent/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn giảm 0,49% xuống còn 1.433,75 cent/bushel. Giá yến mạch giảm 0,53% xuống mức 326 cent/bushel. Giá gạo chưa xay, xát trên sàn CBOT đi ngang ở mức 15,31 USD/cwt.

So với một tuần trước, giá cacao đã tăng khá mạnh, trong khi các mặt hàng khác đều suy giảm. Cụ thể, chốt phiên 5/4, giá cacao tương lai đứng ở 2.108 USD/tấn, trong khi giá cà phê là 183 cent/lb, đường thô là 23,7 cent/lb, ngô là 658,25 cent/bushel và gạo chưa xay xát là 15,045 USD/cwt.