07:20 14/05/2012

UPS đầu tư 1 tỷ USD vào công nghệ

Thu Phương

Hãng chuyển phát nhanh UPS sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong đó có “điện toán đám mây”

UPS đang sử dụng ý tưởng về “điện toán đám mây” trong hoạt động toàn cầu của mình và xem đây có thể là xu hướng định hình lại công nghệ hậu cần trong tương lai.
UPS đang sử dụng ý tưởng về “điện toán đám mây” trong hoạt động toàn cầu của mình và xem đây có thể là xu hướng định hình lại công nghệ hậu cần trong tương lai.
Hãng chuyển phát nhanh UPS Việt Nam cho biết, sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong đó có “điện toán đám mây”.

UPS Express (United Parcel Service Inc) đã chi 1 tỷ USD cho việc ứng dụng công nghệ trong toàn hệ thống, nhằm tăng giá trị dịch vụ. Điển hình, tại trung tâm điều khiển vận tải hàng không chính của UPS (tại Worldport, Louisville, Kentucky - Mỹ), hệ thống thiết bị ở đây có thể sắp xếp lịch giao hàng lên đến 416.000 gói hàng /giờ. Nơi này nhộn nhịp bởi các hoạt động hàng đêm với khoảng 125 máy bay đến từ các điểm khắp nơi trên thế giới.  

Ngoài ra, để gia tăng lợi thế, ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS Việt Nam, cho rằng, UPS đang sử dụng ý tưởng về “điện toán đám mây” trong hoạt động toàn cầu của mình và xem đây có thể là xu hướng định hình lại công nghệ hậu cần trong tương lai.

“Chúng tôi gọi đó là  “đám mây hậu cần - logistics cloud”, công nghệ này làm cho việc chia sẻ thông tin về các lô hàng của doanh nghiệp, đưa ra dự báo giao hàng chính xác hơn, giảm thiểu hàng tồn kho dư thừa, và tránh những bất ngờ xảy ra về lô hàng ở những phút cuối dễ dàng và nhanh chóng hơn”, ông Jeff McLean nói.

Bên cạnh đó, UPS còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong hoạt động vận chuyển hàng toàn cầu như công cụ DIAD là loại thiết bị hiện đại dùng để theo dõi quá trình giao hàng của hơn 15 triệu lượt hàng hóa mỗi ngày trên khắp thế giới, nhãn hàng hóa thông minh để theo dõi hành trình vận chuyển, 2 trung tâm lưu trữ thông tin toàn cầu, công nghệ xử lý hóa đơn điện tử, trang web của UPS sử dụng 12 ngôn ngữ châu Á khác nhau để cập nhật và theo dõi mọi thông tin liên quan đến hàng hóa của khách hàng.

Cạnh tranh ngày nay có tính toàn cầu và ngày càng khốc liệt, chu kỳ sống của sản phẩm mới ngắn hơn, mức độ kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao hơn đã thúc ép các chủ doanh nghiệp phải tìm kiếm và lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ logistics có khả năng đáp ứng hoàn hảo mọi yêu cầu. Là doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư ứng dụng và đổi mới công nghệ, UPS sẽ đồng hành cùng các đối tác của mình tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như góp phần làm cho ngành công nghiệp logistics trở nên “xanh” hơn.

Điển hình như hệ thống lên kế hoạch bay hiệu quả của trung tâm công nghệ Lufthansa Systems có thể giúp tiết giảm gần 3,7 triệu lít nhiên liệu tiêu hao hay hệ thống quản lý mặt đất cũng có thể giúp tiết kiệm hơn 1,3 triệu lít nhiên liệu và hàng triệu USD mỗi năm. Điều này đồng nghĩa có thể giảm hơn 3,3 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

“UPS luôn muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiêu hao năng lượng nên mọi công nghệ đều hướng tới muc tiêu này. Ít ai biết rằng với công nghệ DIAD, UPS có thể tiết kiệm 89 triệu tờ giấy mỗi năm, tương đương giảm sự chặt phá của hơn 7,000 cây rừng”, ông Jeff McLean nhấn mạnh.

Trong tương lai không xa, UPS với chiến lược đầu tư, tập trung ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào logistics, sẽ góp phần không nhỏ để đưa ngành công nghiệp logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới. Hoàn toàn có thể kỳ vọng vào khả năng dẫn đầu khu vực khi bước vào hội nhập.

Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc luôn là hai thị trường trọng điểm của UPS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệu quả từ các khoản đầu tư của UPS sẽ càng thể hiện rõ trong vòng 3 năm tới, tức thời điểm mà những điều khoản chung trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực hoàn toàn, với tốc độ tăng trưởng đáng kể về mặt giao thương.

Hiện, UPS cũng đã củng cố sự hiện diện của họ ở Singapore, với trung tâm logistics gần sân bay Changi để chuyển hàng bằng đường hàng không và đường biển nối với thị trường Trung Đông, châu Âu và Mỹ. Còn ở Philippines, hãng chuyển phát nhanh này đã thành lập một trung tâm hàng không liên châu Á, với công suất xử lý 7.500 bưu kiện mỗi giờ.