14:56 11/08/2011

Vật liệu xây dựng: Khi cung tăng cầu giảm

Y Nhung

Sự ế ẩm của thị trường vật liệu xây dựng năm nay không chỉ vì tháng 7 âm lịch thường hay mưa bão

Cắt giảm đầu tư công, người dân tiết kiệm chi tiêu do lạm phát... đã khiến thị trường vật liệu xây dựng khá trầm lắng thời gian gần đây.
Cắt giảm đầu tư công, người dân tiết kiệm chi tiêu do lạm phát... đã khiến thị trường vật liệu xây dựng khá trầm lắng thời gian gần đây.
Vào tháng 7 âm lịch hay có mưa bão nên nhiều công trình xây dựng thường chậm tiến độ, vì thế sức tiêu thụ đối với các loại vật liệu xây dựng cũng giảm. Nhưng năm nay, sự ế ẩm của thị trường này không chỉ do “tháng 7”.

Theo Hội vật liệu Xây dựng Việt Nam thời gian qua, công suất các nhà máy sản xuất xi măng, gốm sứ xây dựng, đá ốp lát…đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lượng tiêu thụ lại có phần sụt giảm.
 
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết, tháng 6/2011, lượng tiêu thụ thép chỉ ở mức 298.000 tấn. Sang tháng 7/2011, tiêu thụ thép tuy có tăng nhưng cũng chỉ đạt 359.000 tấn, giảm mạnh so với mức bình quân là 400.000 tấn/tháng.

“Doanh nghiệp trong ngành thép hiện đang hết sức khó khăn do lãi suất ở mức cao, trong khi giá bán thì không thể điều chỉnh tăng”, ông Nghi chia sẻ.

Thời điểm này, giá thép tại các nhà máy đang được bán ra phổ biến ở mức 15,5 – 15,8 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT), nhưng để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp còn phải tăng chiết khấu, khuyến mại cho các đại lý.

Không giấu vẻ bi quan ông Nghi còn cho rằng “Với việc cắt giảm đầu tư công, người dân cũng thắt chặt hơn các khoản chi tiêu do lạm phát thì tình hình tiêu thụ thép những tháng cuối năm cũng chưa chắc đã khởi sắc”.

Tương tự đối với ngành xi măng, mọi năm, tốc độ tăng trưởng của ngành là từ 10 – 12% so với năm trước. Nhưng năm nay, 7 tháng qua lượng tiêu thụ mới chỉ đạt 28,3 triệu tấn, tương đương với mức của cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí trong tháng 7, sản xuất xi măng toàn ngành đã giảm tới 500.000 tấn so với tháng 6, và sức tiêu thụ cũng giảm mạnh, chỉ đạt 3,59 triệu tấn so với con số 3,93 triệu tấn đã đạt được vào tháng trước đó.

“Như vậy, năm nay, may lắm ngành xi măng cũng chỉ có thể tăng trưởng được khoảng 8 – 10%”, ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng cho hay.

Từ đầu năm đến nay do các chi phí đầu vào tăng cao, nên các doanh nghiệp xi măng đã có 3 đợt điều chỉnh giá bán, với mức tăng 360.000 đồng/tấn. Tại thị trường phía Bắc, giá xi măng bao PCB40 đang được bán lẻ với giá từ 1,2 - 1,45 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên theo ông Điệp, đây không phải lý do khiến sức tiêu thụ đối với mặt hàng xi măng giảm mạnh, mà chủ yếu do cầu của thị trường yếu vì các công trình có vốn từ ngân sách bị cắt giảm. Lạm phát cũng khiến người dân không thể mạnh tay với các khoản chi tiêu.

“Từ đầu năm đến nay, lượng hàng bán ra đã kém hẳn so với năm trước chứ không phải đến  lúc này sức mua của thị trường mới giảm”, Chị Thuý, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tiên Thuý trên đường Hoàng Quốc Việt nói.

Chị Thuý còn cho biết thêm, hàng năm ngay cả vào tháng mưa bão, lượng tiêu thụ cũng chỉ giảm không đáng kể so với trước đó, chứ không ế ẩm như năm nay.

Tuy nhiên, do các chi phí đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng, nên nhiều vật liệu giá vẫn tăng dù sức mua của thị trường giảm. Cụ thể, kính lấy sáng trước đây nhập vào chỉ khoảng 36.000 – 38.000 đồng/viên, thì nay giá là 40.000 đồng/viên. Mỗi khối cát do mùa mưa việc khai thác, vận chuyển khó nên cũng tăng giá thêm từ 10.000 – 20.000 đồng. Xe cát 1,25 tấn phải bán giá 280.000 - 300.000 đồng các cửa hàng mới có thể chở.

Anh Thắng, chủ một cửa hàng chuyên về gạch men, bồn sứ thì cho rằng việc các công trình không được xây dựng thì vật liệu để trang trí, lắp đặt hoàn tất như cửa hàng anh không thể bán cũng là điều dễ hiểu.

Để kích cầu, một cửa hàng thép xây dựng trên đường Trần Cung còn sẵn sàng chấp nhận bán cho khách với giá tại thời điểm hiện nay và cho họ gửi tại kho khi xây dựng mới đến lấy. “Tháng 7 âm lịch, vì mưa bão, các công trình xây dựng ít được tiến hành nên thép mới có giá dưới 17 triệu đồng/tấn, đến tháng 8 khi mùa xây dựng bắt đầu sẽ không thể có giá trên. Do vậy, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng nên mua sớm rồi gửi trong kho của cửa hàng để được lợi hơn về giá”, vị chủ cửa hàng này thuyết phục.

Cung tăng trong khi cầu giảm đã khiến các nhà máy đều phải tự tìm cách để tiêu thụ sản phẩm theo hướng riêng. “Trước đây, mỗi năm Viglacera Hạ Long chỉ có một đợt khuyến mại, năm nay sự sụt giảm của thị trường khiến doanh nghiệp này từ giữa năm đã phải triển khai áp dụng chiết khấu cho các đại lý từ 10 – 15%, tuỳ theo lượng hàng nhập về”, chị Thuý cho hay.

Còn các doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng và thép xây dựng thì hướng tới thị trường xuất khẩu. Nhưng theo ông Điệp đây chỉ là biện pháp tình thế do giá trị do xuất khẩu mang lại không cao. Thống kê từ Hiệp hội 6 tháng đầu năm, toàn ngành xi măng đã xuất khẩu được khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó có 2,2 triệu tấn clinker và 300.000 tấn xi măng.

Các doanh nghiệp sản xuất thép 7 tháng qua cũng đã xuất khẩu được khoảng 133.000 tấn, đạt kim ngạch gần 1 tỷ USD. Song con số này khá khiêm tốn so với mức nhập khẩu là 3 tỷ USD của ngành thép trong những tháng đầu năm.