23:38 17/11/2011

Vi phạm giá bán xăng dầu bị phạt tới 40 triệu đồng

Y Nhung

Mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính về giá trong kinh doanh xăng dầu tới đây sẽ là 40 triệu đồng

Niêm yết giá xăng dầu không đúng quy định sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng - Ảnh minh họa.
Niêm yết giá xăng dầu không đúng quy định sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng - Ảnh minh họa.
Mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính về giá trong kinh doanh xăng dầu tới đây sẽ là 40 triệu đồng.

Đó là tinh thần trong Nghị định số 104/2011/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu, vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành. Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2012.

Theo đó, mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với một trong các vi phạm sau: không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; bán sai giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định.

Đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Đây cũng là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm về quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối có một trong các hành vi: không gửi quyết định giá và phương án giá đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu; không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Còn thương nhân đầu mối có hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Hình thức phạt bổ sung đối với các vi phạm trên là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 12 tháng. Trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá sẽ bị tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trên 12 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc niêm yết đúng giá quy định; thực hiện các quy định về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu; nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính.