16:19 26/12/2008

Vi phạm trong kinh doanh xăng dầu: Giảm lượng, tăng “chất”

Thúy Nhung

Số cơ sở kinh doanh xăng dầu bị phát hiện vi phạm tuy ít hơn, nhưng số tiền phạt lại tăng lên

So với kết quả đợt thanh tra toàn quốc năm 2003, tỷ lệ vi phạm về đo lường và chất lượng có giảm hơn.
So với kết quả đợt thanh tra toàn quốc năm 2003, tỷ lệ vi phạm về đo lường và chất lượng có giảm hơn.
Số cơ sở kinh doanh xăng dầu bị phát hiện vi phạm tuy ít hơn, nhưng số tiền phạt lại tăng lên.

Đó là kết quả ghi nhận sau đợt kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu, gas trên cả nước, kéo dài trong 4 tháng qua.

Theo ông Nguyễn Hùng Điệp, Trưởng ban Đo lường của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), kết quả tổng hợp báo cáo tính đến ngày 30/11/2008 cho thấy, số cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trên cả nước được thanh tra trong đợt này là 4.441 cơ sở, với số cơ sở kinh doanh xăng dầu là 3.890, kinh doanh gas là 636.

Trong số này, đã phát hiện 797 cơ sở có hành vi gian lận, chiếm 17,9% số cơ sở được thanh tra, với tổng số tiền phạt là trên 3,8 tỷ đồng. Ước tính sơ bộ, có trên 70 cửa hàng xăng bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 208 cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas được thanh tra, tiếp đến là Nghệ An và Gia Lai. Nhưng Gia Lai lại đứng đầu danh sách vi phạm với 81 cơ sở, số tiền phạt lên tới 531 triệu đồng, tiếp đến là Nghệ An và Vĩnh Phúc.

So với kết quả đợt thanh tra toàn quốc năm 2003, tỷ lệ vi phạm có giảm hơn. Năm 2003, tỷ lệ này là 28,3% số cơ sở được thanh tra, năm 2008 chỉ còn 17,9%.

Tuy nhiên, nếu như trong năm 2003, số tiền xử phạt là 2,1 tỷ đồng cho tổng số 1.267 cơ sở vi phạm, thì năm nay số cơ sở vi phạm chỉ là 797 nhưng số tiền phạt lên tới 3,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nếu trong năm 2003 chỉ phát hiện 0,5% số cơ sở được thanh tra có hành vi lắp bản vi mạch điện tử hoặc thay thế IC điều khiển để làm thay đổi tình trạng kỹ thuật cột đo, thì năm 2008 con số này lên tới 7,1%.

Từ kết quả thanh tra về đo lường, chất lượng xăng dầu, gas toàn quốc này, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi theo hướng tăng nặng xử phạt đối với một số hành vi vi phạm như: tự ý phá niêm chì, không kiểm định ban đầu phương tiện đo nhưng vẫn đưa vào sử dụng trong kinh doanh, gắn thêm IC để làm thay đổi tình trạng kỹ thuật cột đo; bổ sung quy định về việc buộc thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi gian lận về đo lường và chất lượng hàng hóa nói chung và xăng dầu nói riêng.

Bộ cũng cho biết, trong năm 2009 sẽ không tổ chức những đợt thanh tra quy mô cả nước để tránh trường hợp các chủ cửa hàng đề phòng, mà sẽ thay bằng kiểm tra đột xuất.