14:42 29/05/2012

Vì sao doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuộng bảo hiểm bên ngoài?

Quý Hiểu

Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là trên 200 tỷ USD, nhưng phí bảo hiểm hàng hóa thu được chỉ được 0,02%

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.
Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.
Cuối tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý rủi ro bằng bảo hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Trong năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là trên 200 tỷ USD (xuất khẩu 96 tỷ USD, nhập khẩu trên 110 tỷ USD). Nhưng theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm hàng hóa thu được chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, tương đương với 50 triệu USD.

“Số phí thu được quá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ chiếm 0,02%. Đây là sự thiệt thòi của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Trong hoạt động ngoại thương, điều khoản mua bảo hiểm là bắt buộc đối với các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhưng lựa chọn của doanh nghiệp Việt Nam là mua bảo hiểm và thuê tàu ở nước ngoài.

Điều này được thể hiện rõ qua việc các thương nhân Việt Nam thường đàm phán nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF, tức hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm giá thành, phí bảo hiểm và phí vận chuyển từ nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu theo giá FOB, tức nhà nhập khẩu nước ngoại chịu trách nhiệm thuê và trả phí phương tiện vận tải.

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cũng cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.

Chỉ có một số mặt hàng mà thế giới không bán bảo hiểm do rủi ro cao là hàng giao cân, giao hàng lẻ khi về Việt Nam do hao hụt thương mại, hao hụt tự nhiên thì doanh nghiệp mới mua bảo hiểm ở trong nước, như phân bón, thức ăn gia súc…

“Chính vì thế, phí bảo hiểm và phí vận tải trong nước bị thất thu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần phải có những thay đổi lại tư duy và nhận thức”, ông Lộc nói. “Nhiều lần tôi có dịp nói chuyện với những nhà hoạt động xuất nhập khẩu, sinh viên các trường đại học đã nhấn mạnh rằng phải mua bảo hiểm và thuê tàu trong nước. Đây phải là một ý thức để phát triển nền kinh tế Việt Nam”.

Bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Bảo hiểm Hàng hải và tín dụng thương mại Chartis Việt Nam giải thích, việc ngại bán giá CIF của các doanh nghiệp Việt Nam là do khó tìm được một nhà vận chuyển quốc tế phù hợp và công ty bảo hiểm có mạng lưới rộng lớn theo yêu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Trong khi đó, đội tàu của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà các nhà xuất khẩu mong muốn, và cũng không nhận được hàng nhập khẩu về Việt Nam tại cảng mà nhà nhập khẩu trong nước cần nên doanh nghiệp không đàm phán phí chuyên chở.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm ở nước ngoài khi xảy ra rủi ro rất khó đòi hỏi được bồi thường bảo hiểm. Nguyên do là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đòi hỏi giấy tờ, thủ tục với yêu cầu cao, khắt khe.

Đơn cử như chứng thư giám định phải là một tổ chức giám định độc lập, chứ không phải chứng thư giám định do doanh nghiệp cấp. Hay những giấy tờ cảng vụ tàu doanh nghiệp làm không đồng bộ, lệch nhau về ngày giờ, số liệu, số container, số chủng loại, mã hàng hóa cũng đủ bị từ chối bồi thường. Nhưng doanh nghiệp chọn mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị cung cấp bảo hiểm trong nước, nếu giấy tờ sai sẽ được sửa lại cho đúng dưới sự tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Vì thế, mua bảo hiểm ở nước ngoài thì thế yếu thuộc về doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Còn mua bảo hiểm của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trong nước sẽ an toàn hơn do các doanh nghiệp chịu sự can thiệp của Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo chủ trương mới của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp tìm được các khách lớn và thị trường mới và cạnh tranh được với thương nhân nước ngoài bằng biện pháp bán hàng trả chậm, tức là cung cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu. Theo đó, nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu 20% phí bảo hiểm, doanh nghiệp chỉ phải chi trả 80%.