08:04 24/11/2011

Viễn cảnh tiêu thụ năng lượng toàn cầu u ám

Diệp Anh

Phiên giao dịch đêm qua (23/11), thị trường dầu thô lại một phen chao đảo dữ dội trước khi sà xuống mức thấp

Giá năng lượng đang chịu sức ép từ triển vọng tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu càng lúc càng sa sút - Ảnh: Reuters.
Giá năng lượng đang chịu sức ép từ triển vọng tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu càng lúc càng sa sút - Ảnh: Reuters.
Phiên giao dịch đêm qua (23/11), thị trường dầu thô lại một phen chao đảo dữ dội trước khi sà xuống mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, số liệu yếu kém tại Mỹ khiến nhà đầu tư bất an về triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu u ám.

Kết thúc ngày giao dịch, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 trượt mạnh 1,84 USD, tương ứng 1,9%, xuống mức 96,17 USD/thùng trên sàn New York. Thị trường trượt sâu cùng với diễn tiến trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng sau đó chậm lại khi Mỹ công bố báo cáo trữ lượng hàng tuần.

Hôm qua, Chính phủ Mỹ công bố lượng dự trữ xăng dầu hàng tuần với mức suy giảm đáng ngạc nhiên và điều này đã hỗ trợ không nhỏ cho giá dầu. Cụ thể, theo báo cáo, tuần trước (kết thúc ngày 18/11), dự trữ dầu thô đã giảm tới 6,2 triệu thùng, trong khi dự báo của giới phân tích là không đổi.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng cho biết, lượng cung xăng tại các kho dự trữ tăng mạnh 4,5 triệu thùng, trong khi các chế phẩm khác bao gồm dầu sưởi lại giảm 800.000 thùng. Dự báo của giới phân tích là dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng và các chế phẩm khác giảm 1,5 triệu thùng.

Việc dự trữ xăng tăng mạnh đã khiến giá mặt hàng này loại giao tháng 12/2011 giảm 4 xu, tương ứng 1,7%, xuống 2,52 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn tại New York cũng trượt 8 xu, tương ứng 2,5%, xuống 2,96 USD/gallon. Một gallon tương đương với 3,78 lít.

Tác động mạnh nhất tới thị trường đêm qua là tình trạng ế ẩm của trái phiếu Chính phủ Đức. Kết quả chào bán trái phiếu thấp hơn mong đợi đã khoét sâu những lo lắng về khả năng khủng hoảng nợ tại châu Âu đã lan rộng và chạm tới nền kinh tế được xem là "khỏe" nhất trong khu vực này.

"Điều này nhấn mạnh sự thiếu hụt niềm tin của nhà đầu tư kể cả với nền kinh tế mạnh nhất ở châu Âu, từ đó dẫn tới làn sóng bán đổ bán tháo trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng Euro và cả thị trường năng lượng như dầu thô", Matt Smith, nhà phân tích dầu của hãng Summit nhận xét.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất tháng 11 của Trung Quốc cũng giảm sút, làm tăng lo lắng của nhà đầu tư về khả năng trượt dài của nền kinh tế toàn cầu khi hàng loạt nền kinh tế lớn của thế giới đi xuống. Cụ thể, chỉ số quản lý sức mua sơ bộ của HSBC đã giảm xuống 48 điểm, từ mức 51 điểm trong tháng 10.

Thị trường cũng đi xuống khi Bộ Thương mại Mỹ công bố chi tiêu dùng tháng 10 của nước này chỉ tăng có 0,1%. Thu nhập cá nhân tăng nhanh hơn 0,4%, cao nhất kể từ tháng 3, do người tiêu dùng bớt tiết kiệm. Đơn đặt hàng tiêu dùng bền tháng trước cũng giảm tới 0,7% dù thấp hơn nhiều so với dự báo.

Phiên liền trước, giá dầu thô quốc tế đầu ngày đã giảm gần 2 USD/ thùng sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2011 chỉ đạt 2%, giảm so với mức dự kiến trước đó là 2,5 % , báo hiệu triển vọng “u ám” của nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, tới cuối phiên, giá dầu lại “lội ngược dòng” đi lên cùng với tỷ giá của đồng Euro , sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố một chương trình cho vay mới, được hy vọng là có thể giúp Italy và Tây Ban Nha tránh khỏi những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng tại châu Âu.

Tất cả những tin tức kém lạc quan trên đã bổ sung cho nhau và đang vẽ lên một bức tranh triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu khá u ám, từ đó gây sức ép lên thị trường xăng dầu, khiến giá cả các mặt hàng này suy yếu, bất chấp những căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông đang o ép nguồn cung.