11:48 30/09/2008

Việt Nam sẽ trồng bắp biến đổi gien

Đầu năm tới, Việt Nam sẽ nhập khẩu hạt giống bắp biến đổi gien để trồng khảo nghiệm

Hạt giống bắp biến đổi gien liệu có thay thế hạt giống bắp lai?
Hạt giống bắp biến đổi gien liệu có thay thế hạt giống bắp lai?
Đầu năm tới, Việt Nam sẽ nhập khẩu hạt giống bắp (ngô) biến đổi gien để trồng khảo nghiệm, đánh giá năng suất cũng như các tác động của nó trong hai năm trước khi trồng đại trà theo quy định của nhà nước.

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Tp.HCM bên lề cuộc hội thảo “Công nghệ sinh học cây trồng Việt Nam: hướng phát triển cho tương lai”, do trung tâm này phối hợp với Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM tổ chức sáng 29/9.   
  
Thưa ông, trong vài năm gần đây, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học có liên quan tới biến đổi gien được tổ chức ở Tp.HCM ít nhiều có sự tham gia hoặc đồng tổ chức của các cơ quan nghiên cứu hay các công ty Mỹ, phải chăng doanh nghiệp Mỹ muốn bán hạt giống biến đổi gien vào thị trường Việt Nam?

Mỹ là quốc gia có nền công nghệ sinh học, trong đó biến đổi gien dẫn đầu thế giới cả về nghiên cứu phát triển lẫn thương mại hóa. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi các tổ chức của Mỹ tham gia nhiều vào các hội thảo, tọa đàm về biến đổi gien ở Việt Nam hay nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực.  
 
Tôi nghĩ cái người Mỹ đang muốn xâm nhập thị trường Việt Nam một khi chúng ta thương mại hóa hạt giống biến đổi gien đó là họ bán bản quyền (license) nhiều hơn là bán hạt giống, vì một khi các công ty Việt Nam có bản quyền thì việc sản xuất hạt giống biến đổi gien không quá khó khăn.   

Như vậy người nông dân chúng ta phải phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia của Mỹ đang nắm bản quyền về hạt giống biến đổi gien?

Chúng ta phải nhìn dưới góc độ là đôi bên cùng có lợi trong kinh doanh. Nếu giả sử nông dân Việt Nam dùng hạt giống bắp biến đổi gien mà tăng thêm thu nhập 100 USD/héc ta vụ thì cũng không quá khó khi trả tiền bản quyền 5 USD.

Nhưng hiện nay Việt Nam chưa trồng cây biến đổi gien, mà các cơ quan khoa học chỉ mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay trồng thí điểm trong nhà kính, chưa đưa ra khảo nghiệm ở đồng ruộng?
   
Đúng, tháng 8/2005, Chính phủ có nghị định về an toàn sinh học, trong đó có quy định về nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu hay trồng các cây trồng biến đổi gien. Theo nghị định này thì Việt Nam không cấm trồng cây biến đổi gien.

Tháng 1/2006, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2020, trong đó có đề cập tới công nghệ sinh học bằng giải pháp biến đổi gien.

Theo đó, từ năm 2006 tới 2010, chọn tạo được một số dòng cây trồng biến đổi gien trong phạm vi phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng.

Từ năm 2011-2015, đưa cây trồng biến đổi gien vào sản xuất và sau năm 2015, diện tích trồng cây trồng mới tạo ra từ công nghệ sinh học chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp, mà 30-50% trong số này được trồng bằng giống biến đổi gien.
 
Như vậy, định hướng phát triển dài hạn lẫn hành lang pháp lý đã có. Tuy nhiên, cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được các quy định hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành, chẳng hạn của ngành nông nghiệp về tiêu chuẩn ngành dành riêng cho hạt giống biến đổi gien.  
 
Vậy khi nào Việt Nam có thể trồng hạt giống biến đổi gien?   

Theo tôi thì cuối năm nay hoặc đầu năm tới, các bộ ngành sẽ có các quy chuẩn về an toàn sinh học trong hạt giống biến đổi gien để chuẩn bị cho việc thương mại hóa hạt giống biến đổi gien sau năm 2011.

Do vậy, đầu năm tới, chúng tôi cùng một số công ty giống của Việt Nam sẽ chọn nhập hạt giống bắp biến đổi gien của Philippines, quốc gia có điều kiện sản xuất bắp tương tự như Việt Nam, để trồng khảo nghiệm, đánh giá các tác động của nó trong vòng hai năm.
   
Sở dĩ chúng tôi chọn bắp là vì đây là cây dành cho chăn nuôi. Việt Nam có diện tích bắp 1,1 triệu héc ta với sản lượng 4,1 triệu tấn/năm nhưng không đủ sản lượng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nên mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi hơn nửa tỉ đô la Mỹ để nhập 600.000-700.000 tấn bắp từ Mỹ hay các quốc gia sản xuất bắp phát triển khác.
   
Nên nhớ là cho tới giờ Việt Nam chưa sản xuất hạt giống bắp biến đổi gien nhưng hạt bắp nhập khẩu cho chế biến thì phần lớn là từ những quốc gia đa phần trồng bắp biến đổi gien như Mỹ chẳng hạn.
   
Philippines là quốc gia có điều kiện trồng bắp rất giống Việt Nam. Họ bắt đầu thương mại hóa hạt giống bắp từ năm 1998 và hiện nay, việc trồng bắp biến đổi gien ở nước này phát triển mạnh.

Do vậy, tôi có thông tin là họ đang thiếu hụt hạt giống bắp biến đổi gien. Khi cần thiết, chúng ta có thể xúc tiến tiếp xúc với các công ty hạt giống lớn trên thế giới đang nắm bản quyền hạt giống bắp biến đổi gien như Monsanto của Mỹ, để chuẩn bị nhập khẩu giống cho khảo nghiệm.
 
Liệu nông dân trong nước có chấp nhận loại cây trồng mới này?
   
Chúng ta đã khảo sát, phát phiếu phỏng vấn nông dân ở nhiều địa phương trồng bắp có diện tích lớn trong nước. Có hơn 50% nông dân trong diện khảo sát cho rằng chắc chắn sẽ mua ngay hạt giống bắp biến đổi gien kháng sâu bệnh để trồng, 30% ý kiến cho rằng sẽ mua, 14% lưỡng lự giữa mua và không, 4% nói chỉ mua sau khi trồng thử có hiệu quả hơn bắp thường và một tỷ lệ nhỏ nói chắc chắn không mua.
   
Còn tại sao chúng tôi chọn giống bắp kháng sâu là do chi phí phòng trừ sâu bệnh chiếm tỷ lệ cao trong trồng bắp, thậm chí 93% số hộ trồng bắp trong điều tra cho biết sâu bệnh quyết định sự thành bại của năng suất bắp.
   
Do vậy, theo tính toán của chúng tôi, một héc ta trồng giống bắp kháng sâu bệnh làm tăng thu nhập cho nông dân khoảng 100 USD/héc ta/vụ so với bắp thường, mặc dù giá mua hạt giống bắp kháng sâu cao hơn bắp lai bình thường 20-30 USD/héc ta.

Việt Nam có hơn 1 triệu héc ta trồng bắp, nếu trồng bắp kháng sâu bệnh, có thể gia tăng thu nhập cho nông dân thêm 100 triệu USD/vụ (một vụ bắp cao nhất là 4 tháng).
   
Đó là chưa kể có thể tự túc được bắp cho chế biến thức ăn chăn nuôi nhờ năng suất tăng lên, tức Việt Nam không phải chi cả nửa tỷ USDđể nhập khẩu bắp.
   
Tuy nhiên, Việt Nam đã có hành lang pháp lý và khó khăn nhất trong thời gian tới là thay đổi nhận thức của người nông dân. Philippines thương mại hóa hạt giống bắp biến đổi gien từ năm 1998 nhưng mất 4 năm sau đó mới trồng được đại trà vì vấp phải phản ứng quyết liệt của một bộ phận nông dân. Còn bây giờ thì họ đang thiếu hụt hạt giống biến đổi gien.

Theo ông, ngoài bắp, Việt Nam nên trồng cây trồng biến đổi gien nào khác?

Theo tôi, Việt Nam nên trồng các cây trồng biến đổi gien mà sản phẩm của nó dùng vào chăn nuôi như bắp, đậu nành, khoai mì. Chưa nên áp dụng vào các cây trồng mà sản phẩm của nó phục vụ xuất khẩu như lúa, cà phê, hồ tiêu hay hạt điều.

Nhưng nông dân và chính phủ nhiều nước chưa cho phép trồng cây biến đổi gien, còn các nhà khoa học trên thế giới thì đang tranh cãi về tác động môi trường và sức khỏe con người của nó?

Vâng. Tác động về môi trường thì đang tranh cãi nhiều năm qua chưa chấm dứt nhưng tôi muốn nói điều này, những nước có yêu cầu nghiêm ngặt về thực phẩm như Nhật hay một số nước EU thì cấm nông dân của họ trồng hạt giống biến đổi gien vì lo ngại tác động tới môi trường nhưng những quốc gia này lại là những nơi nhập khẩu nhiều nhất thực phẩm biến đổi gien.

Hồng Văn (TBKTSG)