09:05 06/01/2012

Xăng không đạt chất lượng, doanh nghiệp đầu mối nói gì?

Y Nhung

Chủ cửa hàng khẳng định chỉ lấy hàng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, lãnh đạo Tổng công ty nói gì?

Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Quân đội: "Chúng tôi luôn khuyến cáo các đại lý trong mọi hoạt động đều phải làm đúng quy trình, nếu làm đúng sẽ không bao giờ xảy ra các hiện tượng tiêu cực".
Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Quân đội: "Chúng tôi luôn khuyến cáo các đại lý trong mọi hoạt động đều phải làm đúng quy trình, nếu làm đúng sẽ không bao giờ xảy ra các hiện tượng tiêu cực".
Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối luôn cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng tới các đại lý, còn sản phẩm bán ra cho người tiêu dùng không đạt tiêu chuẩn có thể do các đại lý đã không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong quá trình kinh doanh mặt hàng này, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội khằng định với báo giới, chiều 5/1.

Mới đây, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phát hiện cây xăng của Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bán xăng không đạt chất lượng.

Kết quả kiểm tra xăng RON 92 tại cửa hàng cho thấy, hàm lượng methanol trong xăng là 15,3% thể tích. Sản phẩm xăng của đơn vị này bán ra do chính Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cung cấp.

Ông Dung cho hay: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội từ trước đến nay nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu từ Singapore và không tiến hành pha chế. Quy trình nhập khẩu được tiến hành theo đúng quy định của nhà nước.

Cụ thể như sau, khi Tổng công ty có nhu cầu về đơn hàng sẽ chào hàng cạnh tranh với khoảng 10 - 12 doanh nghiệp cung cấp trên thị trường thế giới.

Sau khi chào hàng theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành, hội đồng của Tổng công ty sẽ xem xét để ký hợp đồng với các nhà cung cấp.

Khi ký hợp đồng hai bên sẽ phải chỉ định một giám định độc lập làm trọng tài. Lúc chuẩn bị đưa hàng xuống tàu, bên bán sẽ thông báo cho bên mua là Tổng công ty ngày xếp hàng, tên tàu, tuổi tàu bao nhiêu, có đủ an toàn trong quá trình vận chuyển không…

Nếu bên mua chấp nhận tàu và chấp nhận giám định về chất lượng tại cảng đi thì hàng mới được đưa lên tàu. Khi bốc hàng lên tàu xong, cơ quan giám định độc lập tiếp tục giám định về số lượng, chất lượng. Kết quả này sẽ được gửi cho bên mua.

Khi Tổng công ty trả lời đồng ý với kết quả giám định đó thì tàu mới rời cảng. Trong quá trình vận chuyển, thuyền trường, chủ tàu và toàn bộ bên bán sẽ kết hợp với bên mua chỉ định một đại lý hàng hải, đơn vị này sẽ thông báo lịch trình được cập nhật liên tục của tàu cho Tổng công ty.

Tại cảng đến, lại có một đơn vị giám định độc lập được hai bên chỉ định tiến hành kiểm tra một lần nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn phải mời đại diện của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 xuống kiểm tra chất lượng mới cho bơm hàng lên. Sau đó hàng hóa sẽ được niêm phong.

Khi nào Trung tâm trên có văn bản thông báo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, Tổng công ty mới được mở niêm phong và cấp hàng cho các đại lý. Như vậy, quy trình nhập khẩu được tiến hành rất chặt chẽ.

Xăng dầu nhập khẩu lại được Tổng công ty gửi tại tổng kho xăng dầu 19/9 của Công ty Cổ phần 19/9. Công ty xăng dầu Hàng không (Vinapco) cũng gửi hàng tại kho này. Nếu chúng tôi tiến hành pha chế thì đại diện kho 19/9 và Vinapco chắc chắn sẽ biết, ông Dung nói.

Còn từ cảng biển đến kho chứa và đến đại lý phân phối thì ai kiểm soát, thưa ông?

Đối với các đại lý, việc cấp hàng được thực hiện thông qua hợp đồng đã được ký kết từ đầu năm.

Khi đại lý có nhu cầu sẽ phải fax về phòng kinh doanh của Tổng công ty về số lượng, chủng loại là xăng 92 hay xăng 95 hoặc là dầu DO...  Sau khi phòng kinh doanh đồng ý viết phiếu thì đại lý mới cho xe tới nhận hàng tại kho của Tổng công ty.

Khi xe của bên nhận hàng đến, các bên sẽ phải kiểm tra bồn chứa trên xe có sạch không, có khô không, có tạp chất không… Kiểm tra xong mới tiến hành bơm hàng. Bơm hàng xong sẽ tiến hành lấy mẫu, mỗi bên giữ một mẫu và đại diện Tổng công ty, bên kho, bên đại lý cùng phải ký vào.

Nhưng trên thực tế, chủ cửa hàng xăng dầu vi phạm đó đã khẳng định chỉ lấy hàng của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, còn ông thì cho rằng chất lượng sản phẩm do mình cung cấp là đảm bảo?

Hiện Tổng công ty có tới 800 đại lý ở 53 tỉnh thành trên cả nước. Nếu phát hiện chất lạ trong sản phẩm do chúng tôi cung cấp thì cả hệ thống phân phối đều phải có. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế đã không phát hiện chất lạ ở các đại lý khác.

Còn đối với đơn vị vi phạm, trong quá trình chỉ định người vận tải, liệu họ đã kiểm tra và giám sát người vận tải hay chưa. Thứ hai là họ có kiểm tra trong kho xem trước đó có dư tồn hàng của các đơn vị khác hay không và liệu bể chứa có rò rỉ, có nước vào không…

Thứ ba là khi bán hàng, họ có kiểm tra được nhân viên không. Hiện nay, mức chênh lệch giá giữa xăng và methanol lên tới 7.000 – 9.000 đồng/lít, rất có thể người bán hàng đã tự pha vào để hưởng lợi. Trong 3 khâu này, họ đã chắc chưa, nếu chưa thì cơ sở pháp lý của họ không vững chắc.

Có thể người chủ cửa hàng này không pha trộn, nhưng nếu họ không quản lý tốt nhân viên để xảy ra các tiêu cực là chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý sản phẩm trong kinh doanh xăng dầu.

Sau sự cố tại cây xăng nêu trên, Tổng công ty đã có buổi làm việc trực tiếp nào với họ chưa, thưa ông?

Tôi khẳng định Tổng công ty Xăng dầu Quân đội làm đúng các quy trình với đại lý và có mẫu đối chứng. Mẫu xăng của chúng tôi đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của Việt Nam. Còn bên đại lý bán ra sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ngay sau đó, chúng tôi đã chấm dứt không cung cấp hàng cho đại lý này.

Là Tổng giám đốc nhưng tôi chưa hề nhận được phản hồi từ đơn vị này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Phó tổng giám đốc của chúng tôi, đơn vị này đã đến gặp và hỏi về hướng giải quyết. Nhưng Tổng công ty đã chấm dứt cung cấp hàng cho họ nên cũng không cần phải gặp nữa.

Song cách ứng xử của họ cho thấy, họ đã không có kiến thức về kinh doanh xăng dầu. Khi xảy ra vụ việc như thế này, bản thân họ cũng phải biết có thể sai từ khâu nào. Trên thực tế, nếu chắc chắn về tất cả các khâu đó, họ có thể mang mẫu để đi kiểm tra và kiện lại chúng tôi. Tuy nhiên, họ đã không làm những điều này và đã rút lui không tham gia kinh doanh xăng dầu nữa.

Theo ông, việc chi hoa hồng cho đại lý ở mức thấp có phải là nguyên nhân  khiến các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải sử dụng đến các biện pháp như pha thêm methanol để kiếm lời?

Hiện nay nhiều người nghĩ rằng kinh doanh xăng dầu rất có lãi, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Hiện chi phí để lập một cây xăng tại Hà Nội là rất lớn, lên tới 16 – 17 tỷ đồng.

Mỗi tháng doanh nghiệp bán được khoảng 100 m3, với mức chiết khấu là 350 đồng/lít, tổng thu của họ chỉ là 35 triệu. Khoản  này sẽ không đủ chi phí cho việc hoạt động của một cửa hàng.

Về mặt quản lý tôi có quyền đưa ra các giả định, các nguyên nhân có thể dẫn đến các vi phạm, nhưng không có quyền nghĩ cho họ thế này hay thế kia.

Sau sự cố này, Tổng công ty có khuyến cáo gì đối với các đại lý?

Thực tế, chúng tôi luôn khuyến cáo các đại lý trong mọi hoạt động đều phải làm đúng quy trình, nếu làm đúng sẽ không bao giờ xảy ra các hiện tượng trên.

Hiện nay còn có tình trạng nhiều đại lý xăng dầu lấy hàng từ doanh nghiệp đầu mối này, nhưng laị treo biển mạo nhận là đại lý của doanh nghiệp khác, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội có phải  đối mặt với thực trạng này và đã có biện pháp gì để hạn chế?

Chúng tôi cũng đang phải đối mặt với hiện tượng này và thực lòng mà nói, để xử lý các đại lý đó không phải là việc dễ. Về phía Tổng công ty đã chỉ đạo phòng kinh doanh, các đơn vị nào không làm đại lý nữa phải tiến hành thu hồi lại biển hiệu ngay. Tuy nhiên, do có những đại lý ở địa bàn khá xa như vùng Tây Nguyên nên việc thu hồi thường có độ trễ.

Vậy theo ông có mối liên hệ nào giữa việc cháy nổ các phương tiện gần đây với việc xăng kém chất lượng không?

Gây ra hiện tượng cháy nổ ô tô, xe máy theo tôi là tổng hợp của nhiều nguyên nhân chứ không thể đổi lỗi hoàn toàn cho xăng dầu, hay do nhà sản xuất xe.

Trước hết phải khẳng định là có rò rỉ xăng, có nhiệt độ cao và phải có chất dễ bắt cháy mới gây ra hiện tượng này. Vì vậy, nó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Nếu do xăng thì Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ phát hiện ra ngay vì họ đã lấy mẫu được ở một số xe đã bị cháy.

Mặt khác, nếu xăng có pha thêm acetone hay methenol, nhưng các gioong được chế tạo đảm bảo các yêu cầu thì cũng sẽ không có hiện tượng rò rỉ xăng dẫn tới cháy nổ.

Do vậy, tôi cho rằng, quy trình kiểm tra xe phải chặt chẽ hơn và ngay cả các sản phẩm dùng để rửa xe cũng cần phải được kiểm soát.