15:07 25/01/2010

Xuất khẩu da giày sẽ đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2020?

Hồng Thoan

Góp ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”

Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp với năng lực sản xuất 780 triệu đôi giày dép một năm - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp với năng lực sản xuất 780 triệu đôi giày dép một năm - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Bộ Công Thương vừa tổ chức , nhiều vấn đề chưa hợp lý của bản quy hoạch đã được đại diện của cơ quan chức năng và chuyên gia trong ngành phân tích kỹ lưỡng.

Theo ông Ngô Đại Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu Da giày, toàn ngành da giày hiện có khoảng 800 doanh nghiệp với năng lực sản xuất 780 triệu đôi giày dép, 88 triệu cặp túi ví... Các doanh nghiệp sản xuất giày dép tập trung chủ yếu ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội. Công nghệ sản xuất hiện đang ở mức trung bình và trung bình khá so với khu vực, sản xuất vẫn theo phương thức cơ giới hoá”.

Vẫn theo ông Quang, khả năng cạnh tranh của ngành chủ yếu dựa vào các mặt hàng giày thể thao, giày nữ, giày vải, sản phẩm cặp túi ví là những mặt hàng có sức cạnh tranh yếu, riêng da thuộc là mặt hàng khó có khả năng cạnh tranh.

Sản xuất của ngành da giày Việt Nam mới chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, tại thị trường nội địa với mức tiêu thụ khoảng 100 triệu đôi/năm vẫn chưa được tập trung khai thác. Vì thế, ở cả 3 phân khúc thị trường trung, cao và thấp cấp, giày dép trong nước đều lép vế so với hàng ngoại nhập.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2009, ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4,1 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với năm 2008. Sự sụt giảm này chủ yếu do xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm, năm 2009 chỉ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,5 tỷ USD. Với thị trường EU, năm 2008, xuất khẩu da giày của Việt Nam đã đạt 2,2 tỷ USD và năm 2009 vẫn đạt xấp xỉ 2,1 tỷ USD.

Trong dự thảo Quy hoạch, 3 phương án phát triển ngành đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 theo kịch bản cơ sở, kịch bản cao và kịch bản thấp đã được đề cập dựa trên một số chỉ tiêu của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau khi phân tích tình hình thực tế của năm 2009, ngành đã lựa chọn kịch bản cơ sở do có các chỉ tiêu phù hợp với Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đến năm 2020.

Theo đó, nếu như năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước là 6,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 1.237 USD thì tổng sản phẩm giày dép các loại sẽ là 761 triệu đôi, 107 triệu sản phẩm cặp túi ví; kim  ngạch xuất khẩu da giày đạt khoảng 6,2 tỷ USD (giày dép 5,3 tỷ USD và cặp túi ví 0,89 tỷ USD), chiếm 10,29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với giai đoạn từ 2011 – 2020, nếu tăng trưởng GDP ổn định ở mức 7,5% thì tổng sản phẩm giày dép sẽ đạt 1.698 triệu đôi vào năm 2020, cặp túi ví các loại đạt 311 triệu cái, mang lại kim ngạch xuất khẩu da giày là 16,5 tỷ USD (giày dép 13,3 tỷ USD, cặp túi ví 3,2 tỷ USD), chiếm 9,68% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đánh giá về dự thảo Quy hoạch, Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu đã đặt ra hàng loạt các câu hỏi lớn, xuất khẩu da giày năm 2009 chỉ đạt 4,1 tỷ USD, nếu theo quy hoạch dự kiến năm 2010 xuất khẩu 6,2 tỷ USD thì rất khó đạt. Bên cạnh đó, xuất khẩu da giày Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, nhưng với thực trạng sản xuất hiện nay, tỷ lệ giày thể thao đứng đầu, vậy mục tiêu đưa ra trong 10 năm tới ngành da sẽ đứng đầu thì có làm được không?

Về tỷ lệ sản xuất giày vải da, túi xách hiện các doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn mặc dù số lượng doanh nghiệp ít, vậy trong 10 năm tới liệu các doanh nghiệp FDI có tiếp tục đầu tư duy trì sản xuất tại Việt Nam? Một vấn đề nữa là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất vẫn chủ yếu là nhập khẩu, vậy tới đây sẽ khuyến khích doanh nghiệp nào đầu tư, đầu tư bao nhiêu? Và tỷ lệ gia công hiện vẫn là chính do thiếu thương hiệu, thiết kế yếu, chuyển đổi xuất khẩu theo phương thức mua đứt bán đoạn FOB đến năm 2020 sẽ đạt bao nhiêu phần trăm?...

Nhìn từ góc độ khác, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam nhấn mạnh, ngành da giày cần định hướng phát triển theo cả 2 hướng là làm hàng xuất khẩu và làm hàng nội địa thông qua làm chủ công nghệ và thiết kế để phát triển đủ chuỗi giá trị gia tăng.  

Từ thực tế sản xuất, ông Thuấn ước tính, với chi phí vật tư chiếm khoảng 50%, chi trả lương chiếm khoảng 23%, chi phí quản lý từ 8 – 10% thì lợi nhuận của các doanh nghiệp da giày là khá cao... Cho nên, kịch bản phát triển của ngành da giày Việt Nam vẫn có thể giữ nguyên được 14% thị phần của thế giới, vị thế xuất khẩu lớn thứ 2 của châu Á. Bên cạnh đó, các DN trong nước sẽ dần chiếm lĩnh 50 – 70% thị trường nội địa thông qua việc phát triển kênh phân phối và thương hiệu.

Ông Hoàng Phi Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Cổ phần Tae Kwang Vina chuyên sản xuất cho nhãn hiệu Nike cho biết, trong 3 năm trở lại đây, xu hướng phát triển của các thương hiệu lớn ở nước ngoài là nâng cao kỹ thuật trên từng sản phẩm, thay vì trước đây họ chú trọng đến nguyên liệu da, hoá PU... thì nay họ sử dụng các chất liệu nhẹ hơn, tốt hơn. Tỷ lệ may hiện chỉ chiếm 20% đôi giày, còn lại là sử dụng công nghệ dán, vì thế các doanh nghiệp hiện rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Hùng kiến nghị, Nhà nước nên có định hướng rõ ràng về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giày Việt Nam.