14:48 23/11/2009

Xuất khẩu gạo: “Khâu trung gian hưởng nhiều quá”

Đoàn Trần

Các chính sách hỗ trợ nông dân liệu đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp?

Hội Nông dân đề nghị Chính phủ xem xét ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu.
Hội Nông dân đề nghị Chính phủ xem xét ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu.
Trong thời gian qua, cùng với nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%, Chính phủ còn ban hành nhiều chính sách khác hỗ trợ nông dân.

Các chính sách này liệu đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ  tịch Hội Nông dân Việt Nam, nói:

- Về nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo, qua bốn lần dự thảo, tôi thấy toàn là các doanh nghiệp ngồi bàn với nhau, chứ có bàn trực tiếp với nông dân đâu?

Tôi rất băn khoăn nông dân làm ra lúa gạo, vậy mà khi bàn chính sách để điều hành việc xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương lại không hỏi gì đến tâm tư, đề nghị của nông dân.

Hội Nông dân đã phải tự tổ chức hội thảo. Tổ chức xong lại phải cử cán bộ của Hội chủ động sang Bộ Công Thương để xin thêm... góp ý. Trong khi đó, theo tính toán, nông dân làm trên 50% khối lượng công việc. Những người mua bán gạo chỉ làm 10% công việc nhưng lại chiếm tới 67% giá trị tăng thêm. Khâu trung gian như vậy hưởng nhiều quá. Nông dân vất vả, chịu nhiều rủi ro thì lại được hưởng phần quá ít còn lại.

Còn nếu đánh giá chung về các chính sách hỗ trợ nông dân, với tư cách là một hội đại diện cho nông dân thì chúng tôi nhận thấy là nông dân chưa phấn khởi, có thể nói là chưa hài lòng đối với việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách dành cho họ.

Nhưng thực tế là Chính phủ đã rất cố gắng dành sự quan tâm nhiều hơn đến nông dân. Thưa ông, những chủ trương đúng đắn này gặp trắc trở phải chăng chỉ vì khâu tổ chức thực hiện?

Đúng là như vậy.

Chẳng hạn như về gói kích cầu hỗ trợ nông nghiệp, nông dân theo Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ. Ý tưởng khi ban hành gói này là rất tốt nhưng đạt kết quả rất thấp, do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, thiếu đồng bộ, không kịp thời và thiếu cụ thể. Tháng 4 có chủ trương nhưng mãi đến tháng 8 mới có hướng dẫn và tận tháng 9 mới triển khai, điều kiện được hưởng thì chặt chẽ quá, khắt khe quá và thiếu thực tế.

Riêng vấn đề về máy nông nghiệp, quy định phải là máy trong nước nhưng nếu có lẫn vào một số chi tiết ở bên ngoài thì ở nhiều nơi cũng không được chấp nhận. Bên cạnh đó, máy móc cùng chủng loại, nhưng tính năng tác dụng và chất lượng của ta lại thua kém so với máy của nước ngoài.

Ví dụ như máy gặt lúa, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói là máy của ta chỉ gặt được lúa đứng còn máy của nước ngoài gặt được cả lúa đứng và lúa bị đổ, nên nông dân không muốn dùng máy của chúng ta sản xuất. Do đó cho đến tháng 10 năm nay gói kích cầu này mới chỉ giải ngân được trên 800 tỷ đồng mà theo dự báo khả năng hết năm, hết thời hạn giỏi lắm cũng chỉ giải ngân được 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của nông dân.

Hay như xung quanh vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, cụ thể là việc thực hiện chủ trương của Thủ tướng chỉ đạo trong việc thu mua lúa vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở tính toán các yếu tố đầu vào có thể xác định được giá giá thành trung bình xấp xỉ 3.000 đồng/kg. Để bảo đảm cho có lãi khoảng độ 30% thì giá sàn xác định là 3.800 đồng/kg. Khi công bố nông dân rất phấn khởi, nhưng trong quá trình thực hiện lại không được như vậy.

Vì, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực không mua lúa mà chỉ mua gạo và không thể tổ chức được việc mua tới tận nông dân. Toàn bộ việc thu mua, phơi sấy, xay xát để chuyển lúa thành gạo bán cho các doanh nghiệp đều do các  thương lái nhiều cấp thực hiện. Nông dân không có điều kiện để dự trữ, nhìn chung thu hoạch xong phải bán ngay. Nhiều nông dân bán đầu vụ thì được trên 3.000 đồng/kg, còn đến giữa vụ thu hoạch rộ chỉ khoảng 2.600-2.700 đồng/kg.

Như vậy chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho nông dân không đến được với nông dân.

Vậy theo ông, muốn có  "lối ra" cho thực trạng này thì cần phải có những giải pháp nào?

Tôi quan tâm đến những giải pháp thiết thực.

Thứ nhất là, làm thế nào để giá gạo của Việt Nam không còn là thấp nhất thế giới. Muốn thế thì phải đặt điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải ký hợp đồng với một lượng nông dân nhất định hoặc với đại diện nông dân, để đảm bảo trách nhiệm của người thu mua với nông dân, tránh những rủi ro nghiêng nhiều về nông dân như hiện nay.

Dự thảo nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo như hiện nay chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt là từng doanh nghiệp vì lợi ích của mình mà bán phá giá, gây thiệt hại chung. Hiện gạo của chúng ta chất lượng không quá kém, nhưng bán giá thấp nhất thế giới.

Thứ hai là, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kho, tạm trữ lúa nhất là những vùng lúa trọng điểm để nông dân có thể chủ động nhờ hoặc thuê, việc này đều có lợi cho cả doanh nghiệp và cả nông dân trong việc thương thảo cũng như định giá bán lúa.

Một điểm nữa chúng tôi muốn đề nghị Chính phủ xem xét, là có thể cho thành lập quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu, để hỗ trợ hoặc tái đầu tư trở lại cho nông dân và nông thôn ở những vùng sản xuất lúa tập trung hàng hóa.