08:34 12/04/2012

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm: Mừng hay lo?

Quý Hiểu

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỷ USD trong quý 1, chỉ bằng cùng kỳ năm 2011

Cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 58.000 tấn.
Cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 58.000 tấn.
Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2012 ước đạt 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011, song con số mục tiêu của cả năm là 108,8 tỷ USD, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, chưa hẳn đã dễ thành hiện thực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, nếu đạt con số trên cộng với nhập khẩu khoảng 117 tỷ USD đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 224 tỷ USD, Việt Nam sẽ gia nhập top 5 nước ở khu vực ASEAN có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 200 tỉ USD (gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam).

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, xuất khẩu tăng là điều mừng, song có rất nhiều cảnh báo về khả năng xuất khẩu năm nay nói chung rất khó khăn.

TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung cũng có chung nhận xét. Vì kinh tế thế giới năm nay giảm và giá cũng giảm. Đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Ở trong nước việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiển nhiên là không dễ đó là chưa kể phải tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế vĩ mô, ông Thành phân tích.

Nhìn vào các con số cũng có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu cao ở quý 1 là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn dậm chân tại chỗ.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỷ USD (chiếm 36,7%), bằng cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 63,3%, tăng 43,1%. Nếu không kể dầu thô, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Sản lượng cà phê trong những tháng đầu năm nay giảm do thời tiết không thuận lợi, tiêu thụ giảm nên lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khoảng 58.000 tấn. Mặt hàng gạo do giá không tăng, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, tồn kho cao nên lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, 67,4% tương đương với 818.000 tấn.

Mặt hàng dệt may đang gặp khó khi một số thị trường giảm so với cùng kỳ, EU giảm từ 25 – 30% so với năm 2011. Nguyên nhân các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh.

Cũng theo số liệu xuất nhập khẩu đầu năm nay, nhập siêu đạt con số thấp (251 triệu USD). Dưới góc nhìn của bà Phạm Chi Lan, thì không phải là điều đáng mừng. “Đó là nỗi lo. Nó thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất đang có nhu cầu thấp. Đây là tín hiệu buồn để nói lên tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới vẫn còn u ám”.

Bình luận thêm, bà Phạm Chi Lan nói, nếu nói riêng thì có thể bớt lo một chút về nhập siêu, nhưng nói lên sự tắc nghẽn của sản xuất trong nước. Nhập khẩu giảm thì cũng báo hiệu tín hiệu tăng trưởng công nghiệp thấp, vì công nghiệp của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ bên ngoài. Thông thường phải nhập khẩu từ đầu năm để giữa và cuối năm đưa ra sản phẩm. Khi không nhập khẩu được nữa, có nghĩa là các doanh nghiệp đang bế tắc về đầu ra.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, quý 1/2012 tăng trưởng GDP 4% được coi là mức đáy và nếu thực sự đây là đáy, cộng hưởng với khởi sắc ít nhiều của kinh tế thế giới và trong nước thì quý 2/2012 có khả năng tăng trưởng cao hơn. "Cộng với số lượng và giá trị xuất khẩu quý 1/2012 thì mặc dù còn khó khăn, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tăng trên 10% và đạt hơn 100 tỷ USD, tôi cho rằng hoàn toàn khả thi”, ông Thành nói.

Song bà Phạm Chi Lan cho rằng, “không thể lấy thành tích quý đầu để nhân ra rồi nghĩ năm nay tăng trưởng xuất khẩu sẽ tốt. Nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu vẫn phải dấy lên. Không thể chủ quan về thành tựu xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay”.