10:06 01/01/2013

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2012

Ban biên tập

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2012 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn

<br>
<br>
10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2012 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Năm 2012 là năm ghi dấu sự ra đời của các Nghị quyết của Đảng mang thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về quyết tâm bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Ngày 16/1/2012, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, được ban hành. Trong đó có nêu rõ một trong những nguyên nhân ra đời nghị quyết này là “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

5 tháng sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Một thay đổi mang tính lịch sử về bộ máy phòng chống tham nhũng khi đích thân Tổng Bí thư giữ trọng trách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ban này trực thuộc Bộ Chính trị, thay vì thuộc về Chính phủ và do Thủ tướng làm Trưởng ban.

Các nghị quyết này, sau khi ban hành, đều đã tạo ra được những tiếng vang lớn trong dư luận nhân dân, dù khi triển khai không phải đơn giản. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc thực hiện phải là cả quá trình và năm 2012, mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Quốc hội khẳng định vai trò cơ quan quyền lực cao nhất

Năm 2012, Quốc hội bước qua năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIII, với nhiều ấn tượng về “lần đầu tiên” khẳng định hơn nữa vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Lần đầu tiên, để đáp ứng cho đòi hỏi quá cấp bách của tình hình thực tế, một dự án Luật được thông qua chỉ trong một Kỳ họp - Dự án sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng...

Nghị trường Quốc hội năm 2012 cũng là một năm đầy sôi động, khi đại biểu Quốc hội thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc một cách mãnh liệt nhất từ trước đến nay. Có đại biểu Quốc hội bật khóc giữa Nghị trường khi nói về cuộc sống của người nghèo. Có đại biểu khẩn thiết đề nghị phát động một phòng trào tiết chế lòng tham của cán bộ, công chức. Có đại biểu da diết với yêu cầu Quốc hội, Chính phủ cùng tuyên hứa không tham nhũng...

GDP tăng 5,03%

Chốt năm 2012, tăng trưởng GDP đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng đã được điều chỉnh tới 3 lần. Trong bối cảnh cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng GDP thấp là điều đã được dự liệu từ trước.

Những bất lợi từ thị trường thế giới đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trong nước, thể hiện ở việc thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong dân giảm, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.

Có quan điểm cho rằng tăng trưởng thấp trong giai đoạn hiện nay có thể là sự đánh đổi hợp lý khi thực hiện chính sách kinh tế thắt chặt, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tập trung tái cơ cấu 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012, chưa có chuyển biến rõ.

Vì vậy, các đối tác quốc tế đã nhiều lần khuyến nghị trong bối cảnh này cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc tính tới chi phí của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chi phí dự phòng rủi ro... nhằm đảm bảo hiệu quả, thành công cho quá trình này.

Biển Đông dậy sóng

2012  cũng là năm sự căng thẳng giữa các quốc gia liên quan đến vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc có hành động phát hành hộ chiếu có in đường lưỡi bò. Hành động này của Trung Quốc đã tạo nên rạn nứt trong một vấn đề vốn đã có từ lâu với nhiều nước châu á, trong đó có Việt Nam. Động thái lộ rõ mưu đồ bá chủ của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông đã vấp phải hành động, tuyên bố đáp trả gay gắt từ phía các nước liên quan.

Trước những động thái sai trái của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng của Việt Nam, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam. Cũng trong năm này Quốc hội đã thông qua Luật về Biển.

Nợ công và những quan ngại

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình nợ công, thì giá trị nợ công năm 2012 ước hơn 1.632.300 tỉ đồng (55,4% GDP), tăng hơn so với con số 54,9% GDP của năm 2011 nhưng thấp hơn mức 56,3% GDP của năm 2010. Trong nợ công 2012, nợ Chính phủ chiếm chủ yếu, hơn 1,2 triệu tỉ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh 345.875 tỉ đồng, còn nợ chính quyền địa phương chỉ chiếm khoảng 15.650 tỉ đồng.

Chính phủ khẳng định nợ công vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn và ở mức độ bình thường so với các quốc gia khác. Dù vậy, xu hướng nợ công đang có một số diễn biến không tích cực do Việt Nam đang đứng trước áp lực nợ vay nước ngoài quá lớn và Chính phủ đang trở thành “con nợ” thay cho nhiều doanh nghiệp bởi nhiều khoản bảo lãnh cho các dự án kém hiệu quả.

Thủy điện Sơn La khánh thành sớm hơn dự kiến 3 năm

Ngày 23/12/2012, Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện trọng điểm, với quy mô lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam á chính thức khánh thành, về đích sớm 3 năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra, tiết kiệm được 30 nghìn tỷ đồng và 15 triệu tấn than.

Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ồ ạt trong thời gian qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện cả nước có 1.110 công trình, dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 25.291,3MW (kể cả các công trình đã được xây dựng trước khi lập quy hoạch chung).

Trong đó, hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ không những không mang lại lợi ích kinh tế mà còn gây ra nhiều hệ lụy khiến cho cộng đồng phải gánh chịu. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo loại bỏ thêm 260 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất 434MW và 3 vị trí tiềm năng (công suất dưới 3MW) chưa có nhà đầu tư đăng ký từ khi phê duyệt quy hoạch hoặc đã nghiên cứu đầu tư nhưng hiệu quả thấp, ngoài 64 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất 226,2MW đã được các địa phương thống nhất loại bỏ.

Tồn kho bất động sản

Năm 2012, lần đầu tiên, những con số tồn kho và nợ xấu bất động sản được thống kê một cách khá đầy đủ và chi tiết. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/10/2012 tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 31/12/2011. Nếu tính dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng bất động sản thì con số này khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện khoảng 12 tỷ USD, xấp xỉ 10% GDP của cả nước nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc với cả một nhóm giải pháp. Về khung pháp lý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành dự thảo nghị định về chính sách tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, nghị định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội.... Về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng kiến nghị: điều chỉnh cơ cấu thị trường, hạ lãi suất cho vay mua nhà, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...

Gia tăng nợ xấu ngân hàng

Ngày 7/6/2012, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 10%/tổng dư nợ, tương đương khoảng 2,5 – 2,8 triệu tỷ đồng. Đây là con số khác rất xa so với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ 4% hoặc 5% mỗi năm trong 10 năm gần đây.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 12/7/2012, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước lại công bố tỷ lệ nợ xấu chính thức là 8,6%, trong khi tỷ lệ này được Ngân hàng Nhà nước tổng hợp qua “tự khai” của các tổ chức tín dụng là 4,4%. Sự khác biệt giữa các con số trên ít nhiều gây băn khoăn trong dư luận.

Tuy nhiên, dư luận về quy mô nợ xấu cũng như sự khác biệt về tỷ lệ chưa kịp lắng xuống thì một đợt sóng nữa lại dấy lên xung quanh đề án thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) với quy mô vốn 100 nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2012, Chính phủ đã thông qua đề xuất thành lập VAMC và sẽ trình xin ý kiến Bộ Chính trị vào cuối tháng 12/2012 trong tổng thể đề án xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của VAMC đã có sự khác biệt rất lớn so với ý tưởng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước, với cách thức gần như “mỡ nó rán nó”, bắt buộc tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm phần lớn với số nợ xấu của chính mình.

Độc quyền vàng miếng

Năm 2012 thị trường vàng nổi lên 3 dấu hiệu đặc biệt: giá vàng trong nước và thế giới được kéo giãn ở mức kỷ lục, câu chuyện độc quyền vàng miếng và những sai số trong dự báo giá vàng. Nổi bật nhất là một kỷ lục được lập nên vào những ngày cuối cùng của năm khi mức vênh giá giữa vàng nội và vàng ngoại được đẩy lên mức kinh khủng: giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế tới 4,9 triệu đ/lượng vào ngày 21/12, do giá vàng thế giới tụt dốc mạnh mẽ nên sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bỗng nhiên cũng đẩy lên tăng vọt.

Có ý kiến cho rằng chính sự độc quyền vàng miếng SJC dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá trong nước với thế giới. Cho đến đầu quí 3/2012, vẫn có dự báo: vàng trong nước sẽ không còn cơ hội vọt tăng hơn 40 triệu đồng/lượng mà sẽ quay về mốc 38 triệu đồng/lượng và độ chênh lệch giá không cao. Nhưng cuối cùng thì những “tiên tri” về vàng đã không chính xác.

CPI được kiềm chế

Chỉ số giá (CPI) cả năm tăng 6,8% đạt mục tiêu. Tỷ giá VND/USD ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước tính là 11,3-11,5%, giảm 1,1-1,3% so với năm 2011. Tuy nhiên trong năm 2012, những con số báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao cùng với hàng loạt các loại thuế, phí, giá cả gia tăng, khiến cho đời sống dân sinh bị xáo trộn nhiều.

So với năm 2011, số vụ ngộ độc tăng thêm 23 vụ, số người mắc tăng gần 1.000 người và số tử vong tăng 7 trường hợp. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tình trạng quá tải bệnh viện chậm được khắc phục, giá thuốc giá dịch vụ y tế tăng cao. Nhiều loại dịch vụ y tế tăng giá nhưng chất lượng dịch vụ vẫn chưa được cải thiện...

Tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với nhiều nước trong khu vực. Tổng mức thu thuế/GDP cao cho thấy dấu hiệu báo động của sự tận thu. Điều này làm hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển, giảm khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và khuyến khích các hành vi gian lận thuế. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật giao thông, tội phạm cướp giật lộng hành ở hai thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM với mức độ hung hãn, tàn bạo ngày càng gia tăng, khiến cho người dân sống trong xã hội cảm thấy bất an.