09:09 02/01/2014

10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2013

TBKTVN

Thời báo Kinh tế Việt Nam công bố 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu năm 2013

Ngày 28/11/2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp
 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với 97,59% số phiếu 
tán thành.
Ngày 28/11/2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với 97,59% số phiếu tán thành.
Thời báo Kinh tế Việt Nam công bố 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu năm 2013.

Quốc hội thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi


Ngày 28/11/2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với 97,59% số phiếu tán thành. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị; đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Nói về kết quả này, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 26/12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bản Hiến pháp thực sự là trí tuệ của toàn dân, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và theo tư tưởng chỉ đạo của Đảng”. Tuy nhiên, cũng theo Tổng Bí thư, “thông qua Hiến pháp mới là bước đầu, triển khai Hiến pháp đi vào cuộc sống mới là vấn đề quan trọng hơn nữa”.

Cũng trong Kỳ họp thứ 6, QH thông qua việc sửa đổi Luật Đất đai. Luật Đất đai sửa đổi có 14 chương, 212 điều (luật cũ có 7 chương, 146 điều). Một trong những điểm nổi bật của Luật này, là về nguyên tắc định giá đất: “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất”.

So với quy định tại luật cũ tuy vẫn dựa trên cơ sở thị trường, nhưng quy định mới rõ ràng hơn. Theo đánh giá của nhiều người trong giới chuyên gia, Luật Đất đai sửa đổi lần này, tuy chưa có những đổi mới mang tính đột phá, nhưng cũng sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong lĩnh vực đất đai.

Tiễn biệt một huyền thoại

Chiều tối ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đã từ trần ở tuổi 103. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXNCN Việt Nam, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Cả biển người đã đổ ra đường tiễn đưa Đại tướng của nhân dân về với đất mẹ Quảng Bình. Khắp cả 3 miền Bắc Trung Nam, ở đâu đâu cũng đều gặp những dòng nước mắt tiếc thương cho sự ra đi mãi mãi của người anh hùng dân tộc, vị tướng thiên tài đã sống cả cuộc đời vì nước, vì dân.

Lần đầu tiên kể từ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời hơn 40 năm trước, Việt Nam mới lại chứng kiến một lễ tang mà cả dân tộc dường như xích lại bên nhau. Sự ra đi của ông, đã làm bừng tỉnh những giá trị dân tộc, nhân cách và sức mạnh đoàn kết của hàng triệu người Việt Nam.

CPI thấp nhất trong 10 năm qua

Lạm phát năm 2013 chạm đáy trong vòng 1 thập kỷ qua khi CPI cả năm chỉ tăng 6,04% so với năm 2012. Như vậy, cũng giống như năm 2012, CPI về đích thành công khi chưa chạm tới giới hạn cho phép là 7% như mục tiêu đề ra.

Quy luật “hai cao một thấp” của CPI được xác lập kể từ năm 2006 trở lại đây đã bị phá vỡ. Kinh tế Việt Nam chuyển từ trạng thái “bị động” phải “đuổi” theo lạm phát, kiềm chế lạm phát thì nay đã có thể “chủ động” kiểm soát lạm phát. Có được kết quả này là nhờ những chính sách điều hành kịp thời của Chính phủ.

Năm 2013 chỉ tiêu CPI đã hoàn thành mục tiêu đề ra khi tăng ở mức thấp thậm chí có lúc còn gây lo lắng về giảm phát nhưng việc giá cả tăng thấp trong thời gian qua cũng là cơ hội, tạo thêm dư địa cho Chính phủ thực thi các chính sách dài hạn phù hợp tạo đà cho sự phát triển trong tương lai. Đặc biệt, khi kinh tế vĩ mô bước đầu ổn định, lòng tin đầu tư và lòng tin tiêu dùng của người dân tăng trở lại sẽ là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế.

Thắng lợi của ngoại giao và kinh tế đối ngoại

Năm 2013 là một năm khá bận rộn của lãnh đạo Việt Nam trong các chuyến thăm nước ngoài cũng như tiếp đón các phái đoàn cao cấp của nước ngoài đến thăm Việt Nam. Quan hệ đối ngoại được thúc đẩy trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa... với nhiều đối tác ở mọi châu lục, cả quan hệ song phương lẫn quan hệ đa phương. Việt Nam đã tập trung thúc đẩy hợp tác với tất cả các nước lớn trên thế giới.

Kết quả là Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước lớn như Pháp, Italia, Indonesia, Thái Lan và Singapore trong năm này, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 14 quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, và trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều đối tác lớn khác.

Năm 2013 cũng là năm ghi dấu những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiến tới một Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời khởi động đàm phán Liên minh thuế quan với Nga - Belarus - Kazakhstan.

Xoá sổ Vinashin và cấp bách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Ngày 30/12, Bộ Giao thông -  Vận tải tổ chức lễ ra mắt, công bố quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC), chính thức xóa bỏ cái tên VINASHIN. Sự đổ vỡ của doanh nghiệp này là hậu quả của cơ chế quản lý và giám sát doanh nghiệp không chặt chẽ. Điều đáng lo ngại là số nợ hơn 1,3 triệu tỷ đồng của 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn treo lơ lửng khi quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp này vẫn giậm chân tại chỗ.

Do đó, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay để những con tàu kinh tế Việt Nam vững tay lái trong một hành trình mới, chắc chắn về chiến lược, chặt chẽ và nghiêm khắc trong quản lý và kiểm soát.

Nới trần bội chi ngân sách và cảnh báo nợ công đến ngưỡng an toàn


Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đồng ý nâng bội chi ngân sách năm 2014 lên mức 5,3% GDP và phát hành thêm 170.000 trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Chính phủ cho biết, tăng bội chi ngân sách một phần là để trả nợ, phần còn lại tập trung đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành các dự án kinh tế đang dở dang, đầu tư nông nghiệp nông thôn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài, xử lý nợ đọng cơ bản, xử lý nợ xấu, tăng giải ngân vốn ODA... đảm bảo tổng vốn đầu tư xã hội bằng 30 – 31% GDP, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hạ tầng.

Chính phủ khẳng định nợ công 3 năm tới vẫn trong giới hạn an toàn, không quá 65% GDP mặc dù áp lực trả nợ rất lớn. Tuy nhiên, ngưỡng an toàn của nợ công không chỉ hạn hẹp về ý nghĩa ở con số với cách “cộng- trừ” không nhất quán giữa các tổ chức và các quốc gia. Sự an toàn chỉ có được khi tỷ lệ chi trả nợ không tăng mạnh qua các năm, không còn những khoản bảo lãnh cho các hợp đồng kinh tế với mục tiêu lợi ích nhóm và đồng vốn vay nợ được sử dụng hiệu quả.

Năm khởi đầu xử nhiều vụ án tham nhũng lớn

Vụ Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribanks) có số lượng bị cáo lên đến 11 người và số tiền sai phạm lên tới 531 tỷ đồng. Vụ án khép lại với 2 án tử hình nhưng vẫn còn những dấu hỏi về sự dễ dãi trong quản lý tài chính của đơn vị chủ quản khi mà trong 1 ngày ALC II vừa ký và giải ngân 4 hợp đồng hàng trăm tỷ đồng nhưng không hề có một sự kiểm tra, giám sát nào...

Vụ tham nhũng tại Vifon diễn ra từ trước khi doanh nghiệp này được cổ phần hoá và đây cũng là lời “thúc giục” thực hiện nhanh công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để tăng cơ chế giám sát lẫn nhau trong nội bộ doanh nghiệp.

Vấn đề tạo nên sự “nổi tiếng” của vụ Vinalines nằm ở cá nhân bị cáo Dương Chí Dũng, bắt đầu từ con đường chạy trốn lệnh truy nã của Dương Chí Dũng diễn ra như trong một bộ phim hình sự. Với sự giúp sức của những người anh em trong ngành công an, Dương Chí Dũng đã sử dụng hầu hết các phương tiện giao thông để chạy trốn và qua mặt được cả cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi xuất cảnh sang Campuchia dễ dàng...

Độc quyền kinh doanh vàng miếng, mua nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng

Nhà nước tuyên bố độc quyền thị trường vàng miếng và quản lý chặt thị trường vàng trang sức theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước rất ít nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng và phản biện tại các kỳ họp Quốc hội cùng các chuyên gia kinh tế. Và nếu như kết thúc năm 2013, Ngân hàng Nhà nước không nộp vào ngân sách trên 8 nghìn tỷ đồng lợi tức có được do độc quyền vàng miếng; loại bỏ rủi ro thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng bởi tác nhân kinh doanh vàng và không để vàng gây bất ổn đối với quản lý tỷ giá thì không ai đong đo được trách nhiệm mà cơ quan này phải hứng chịu đến đâu. Đi kèm với một số kết quả được cho là thành công thì giới kinh doanh vàng bị lỗ nặng.

Một dấu ấn khác của Ngân hàng Nhà nước là xử lý nợ xấu với kết quả được ghi nhận đến thời điểm 16/12/2013 là mua được 28.170 tỷ đồng nợ xấu từ 26 tổ chức tín dụng thông qua VAMC trong tổng số 105,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu được đưa ra theo dõi ngoại bảng bằng các giải pháp nguồn dự phòng và cơ cấu lại nhóm. Nhưng sau khi VAMC mua nợ, sẽ xử lý tiếp như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đối với vấn đề tái cơ cấu hệ thống, thành công của Ngân hàng Nhà nước là sắp xếp lại cơ cấu chủ sở hữu, loại bỏ nguy cơ mất thanh khoản của 9 ngân hàng thương mại và bắt đầu triển khai sáp nhập thêm một số ngân hàng lớn lành mạnh với nhau.

Thiên tai gây thiệt hại hơn 27.000 tỷ đồng

Năm 2013 chứng kiến thiên tai phức tạp và bất thường, đã có tới 13 cơn bão (chưa tính các áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên biển Đông, ghi nhận là năm có nhiều cơn bão nhất trong vòng 50 năm qua. Thiên tai khốc liệt trong năm vừa qua đã khiến 285 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 27 nghìn tỷ đồng.

Thiên tai ngày càng cực đoan và bất thường được nhận định là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; là hậu quả của nạn phá rừng, khai thác tài nguyên kiểu tận diệt; đặc biệt là “phong trào” làm thủy điện tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu phương án bảo đảm an toàn hồ đập.

Năm 2013 cũng ghi nhận Chính phủ, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã huy động nguồn lực cao nhất cho công tác phòng chống thiên tai, nên đã giảm thiệt hại.

Xuất siêu và những vấn đề đặt ra

Năm 2013 Việt Nam tiếp tục xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm qua: năm 2011 đạt 57%, năm 2012 là 63% và 2013 ước 67%.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 2,6 triệu lao động (22% lao động của doanh nghiệp). Tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề về quản lý hoạt động của khu vực này cần chặt chẽ để tránh thất thu thuế thông qua các hoạt động chuyển giá, chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này năm 2013 ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (tương đương 7,8 tỷ USD), đưa mức nhập siêu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc trong năm 2013 lên mức 23,7 tỷ USD.

Tỷ trọng xuất khẩu nhóm nông sản giảm trong khi nhóm hàng gia công lắp ráp tăng nhưng tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục giảm cũng cho thấy hiệu quả của hoạt động xuất khẩu năm 2013 không cao.