15:13 09/11/2010

1,4 tỷ USD tiết kiệm từ cải cách hành chính: Khó và dễ

Anh Quân

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng, những giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được thực hiện trên thực tế như thế nào?”

Không biết hệ thống thủ tục hành chính đã từng “lạc hậu” đến đâu, nhưng câu chuyện cải cách được đẩy mạnh trong mấy năm gần đây đã cho thấy, việc tiết kiệm tiền trăm, tiền nghìn tỷ đồng là quá đỗi bình thường.
Không biết hệ thống thủ tục hành chính đã từng “lạc hậu” đến đâu, nhưng câu chuyện cải cách được đẩy mạnh trong mấy năm gần đây đã cho thấy, việc tiết kiệm tiền trăm, tiền nghìn tỷ đồng là quá đỗi bình thường.
“Tôi xin hỏi Bộ trưởng, những giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được thực hiện trên thực tế như thế nào?”, TS. Lê Đăng Doanh hướng lên bàn chủ tọa cuộc tọa đàm, nơi Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngồi vị trí đồng chủ trì.

Với 5.000 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, theo cách tính của các cơ quan chức năng, sẽ tiết kiệm được khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với khoảng 1,4 tỷ USD. Tức là, sẽ chỉ mất khoảng 7 năm để khoản tiết kiệm lũy tiến đủ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, hay 40 năm cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

Nhưng trước những dẫn chứng thuyết phục cho thấy nỗ lực của Việt Nam hướng tới một thể chế công khai, minh bạch hơn, những đối tượng được hưởng lợi như ông Doanh dường như vẫn chưa vội vã mừng vui với khoản tiền có thể tiết kiệm được.

Khó và dễ

Buổi tọa đàm “Cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, định hướng cải cách môi trường kinh doanh 2011”, do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 8/11 là dịp làm rõ hơn mức độ thực sự những cải cách Việt Nam đã đạt được.

Và chính con số 1,4 tỷ USD là dẫn chứng để ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 30, “đòi hỏi” thêm 10 vị trí nữa cho Việt Nam trong xếp hạng mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh 2011, vừa được IFC và WB công bố.

“Nếu tính đúng, tính đủ thì Việt Nam còn cải thiện được 10 bậc nữa chứ không phải chỉ là thứ hạng 78”, ông Phan phát biểu hôm 4/11, trước báo giới trong lễ công bố bảng xếp hạng kể trên.

Không biết hệ thống thủ tục hành chính đã từng “lạc hậu” đến đâu, nhưng câu chuyện cải cách được đẩy mạnh trong mấy năm gần đây đã cho thấy, việc tiết kiệm tiền trăm, tiền nghìn tỷ đồng là quá đỗi bình thường.  

Đơn cử sau đây là một số nội dung cải cách tiêu biểu. Việc áp dụng hóa đơn tự in theo cơ chế thông báo thay vì đăng ký; giảm tần suất khai/nộp thuế theo quý; phân cấp thực hiện hoàn thuế để giảm thời gian giải quyết đã giúp tiết kiệm 1.068 tỷ đồng/năm.

Hay, việc bãi bỏ phí xây dựng và quy định về thời hạn có hiệu lực khởi công của giấy phép xây dựng, qua đó bãi bỏ việc gia hạn giấy phép này đã cắt giảm gần 1.400 tỷ đồng/năm; bãi bỏ yêu cầu công chứng bắt buộc đối với các giao dịch liên quan đến bất động sản giúp tiết kiệm trên 2.700 tỷ đồng/năm.

Còn nữa, việc cho phép doanh nghiệp được nợ chứng từ để giải phóng hàng nhanh chóng; thay đăng ký thành thông báo đối với một số thủ tục như đăng ký hợp đồng gia công, đăng ký điều chính và kiểm tra định mức, đăng ký hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan đã giúp tiết kiệm 565 tỷ đồng/năm…

Soi vào báo cáo môi trường kinh doanh 2011, cấp giấy phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp… cũng được ghi nhận là có sự cải thiện trong năm qua. “Một số là những cải cách có thực, khiến Việt Nam cải thiện thứ hạng của mình”, ông Janamitra Devan, Phó chủ tịch WB-IFC nhìn nhận.

Vấn đề còn ở thực thi

Nhưng những điểm TS. Lê Đăng Doanh lưu ý không phải không có cơ sở. Để người dân và doanh nghiệp tiết kiểm được khoản tiền tương đương 1,55% GDP, Đề án 30 phải cắt giảm được 37% gánh nặng hành chính.

Nói cách khác, đó là phải sửa đổi, bổ sung 1.017 văn bản của nhiều cấp, nhiều ngành, bao gồm 44 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 36 thông tư, 313 quyết định của bộ trưởng và 93 văn bản khác.

Do khối lượng công việc quá lớn, nên để đạt mức lý tưởng như các con số tiết kiệm kể trên không phải chuyện ngày một ngày hai. Thậm chí đã có những biện pháp mạnh được áp dụng như sự “ủng hộ chính trị” được viện dẫn là bài học thành công hàng đầu với trường hợp Việt Nam, đặt cả bộ máy công quyền trước “cây gậy và củ cà rốt” để cùng hướng đến cải cách.

Tuy nhiên, “nhiều nội dung đơn giản hóa chưa đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho biết.

Ông Devan nhìn nhận khách quan, việc đóng thuế, trả thuế dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở vị trí rất khiêm tốn, thứ 124/183 nền kinh tế. “Nộp thuế tại Việt Nam còn phức tạp và tốn thời gian”, ông cho biết.

Tiếp theo là bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 vị trí cuối bảng. Đặc biệt, với chấm điểm của WB về trách nhiệm thành viên hội đồng quản trị, Việt Nam chỉ được… 0 điểm. “Làm sao phải tăng tính trách nhiệm và tăng khả năng có thể bị khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị”, ông Devan khuyến nghị.

Trong khi đó, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, dù đạt được một số cải thiện trong năm nay nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 100. Lĩnh vực tín dụng có vị trí khá tốt, xếp hạng 15 từ mức 30 của năm ngoái, nhưng theo ông Devan, vẫn còn những điểm cần cải thiện tốt hơn.

Cũng cần lưu ý thêm, những đánh giá xếp hạng mới đo lường trên thay đổi quy định, chính sách, cho thấy triển vọng tốt đẹp có thể đạt được trong tương lai mà chưa thấy rõ trên thực tế. “Nếu thay đổi chỉ đạt được trên các quy định pháp luật mà không có ý nghĩa trong thực tế thì chưa thể nói đến hiệu quả”, ông Devan khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục con đường cải cách để tiến xa hơn.