11:49 13/01/2011

2011 - 2020: Mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm

Nguyên Hà

Nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội trong giai đoạn 5 - 10 năm tới đã được trình bày tại Đại hội XI

1.377 đại biểu đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng - Ảnh: LQP.
1.377 đại biểu đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng - Ảnh: LQP.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD... là những con số cụ thể tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XI, ngày 12/1.

Khẳng định những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước, song Ban chấp hành Trung ương cũng chỉ rõ nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại.

Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" có diễn biến phức tạp, Tổng bí thư báo cáo trước Đại hội.

Đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương xác định, mục tiêu tổng quát của Chiến lược  phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.

Bên cạnh chỉ tiêu về GDP như đã nói trên, con số đáng chú ý là giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ít nhất đạt 35%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Xác định 2011 - 2015 là bước rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược, một số chỉ tiêu chủ yếu cũng đã được đặt ra cho giai đoạn này.

Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 7 - 7,5%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế

Tổng bí thư nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới.

Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

“Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, báo cáo nêu rõ.

Để thực hiện định hướng trên, một số nội dung được nhấn mạnh là phát triển mạnh các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Trong đó, phát triển vững chắc thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, vận hành an toàn, được quản lý, giám sát hiệu quả, phát triển và kiểm soát có hiệu quả thị trường chứng khoán. Đồng thời, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, tập trung vào đổi mới, hoàn thiện các thể chế về quyền sử dụng đất…

Nội dung tiếp theo được nhấn mạnh tại báo cáo chính trị tại Đại hội là đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh, bền vững.

Theo định hướng đó, một số ưu tiên đã được xác định là phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, chế biến, công nghiệp năng lượng, luyện kim, hoá chất, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Trong phát triển nông nghiệp toàn diện, khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Ưu tiên tiếp theo là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh như các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, viễn thông, vận tải, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ. Hình thành một số trung tâm dịch vụ lớn ở các vùng, trong đó có trung tâm có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng và phát triển hài hoà giữa các vùng đô thị và nông thôn... cũng là những nội dung được nhấn mạnh để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.