09:44 05/03/2010

2/3 số đường bộ Việt Nam đang cần bảo dưỡng

Đinh Tịnh

Hiện tại, nhiều tuyến đường bộ trong cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng xe tăng mạnh

Toàn quốc hiện có hơn 218.500 km đường, riêng quốc lộ là 17.290 km. Trong đó, 35% đạt loại trung bình, 17% loại xấu, 16% loại rất xấu.
Toàn quốc hiện có hơn 218.500 km đường, riêng quốc lộ là 17.290 km. Trong đó, 35% đạt loại trung bình, 17% loại xấu, 16% loại rất xấu.
Hiện tại, nhiều tuyến đường bộ trong cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng xe tăng mạnh.

Trong khi đó, từ tháng 10/2009, việc xây dựng quỹ bảo trì đường bộ đã được nhắc tới, nhưng đến nay vẫn... nằm trên giấy. Điều này khiến nhiều tuyến đường hàng ngày vẫn phải oằn lưng chịu tải, chờ tu sửa.

Ngày 4/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp hệ thống đường bộ. Đó là việc nền kinh tế phát triển kéo theo lưu lượng xe cơ giới đường bộ tăng nhanh. Đặc biệt xe siêu trường siêu trọng, xe container phục vụ nhu cầu vận tải khiến đường xá hư hỏng nặng... Chính vì thế, việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ là rất cấp thiết.

Toàn quốc hiện có hơn 218.500 km đường, riêng quốc lộ là 17.290 km. Trong đó, 35% đạt loại trung bình, 17% loại xấu, 16% loại rất xấu. Theo tính toán, trên toàn bộ hệ thống đường bộ Việt Nam thì có đến 2/3 số đường đang cần bảo dưỡng ngay. Nhiều tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn, cầu và đường chưa đồng bộ.

Theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại ở nhiều đoạn trên các quốc lộ 2, 3, 5, 6, 15, 70 và 279... đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt ở khu vực miền Trung, các cầu, cống, tuyến đường xây dựng trước đây không phù hợp với tình hình thuỷ văn hiện nay nên nền đường dễ bị ngập lụt trong mùa mưa bão, gây sụt lở.

Còn theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến cuối năm 2009, mạng lưới giao thông đường bộ nước ta đã tăng thêm 3.871 km so với năm 1999, nhưng không có một nguồn phí tu sửa nào cố định.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết: chi phí dành cho công tác bảo trì các tuyến quốc lộ năm 2008 đạt mức cao nhất là 1.915 tỷ đồng, nhưng chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

Chỉ tính riêng trong năm 2009, các đơn vị của Cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện, xử lý 86 điểm đen và điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông với kinh phí 45 tỷ đồng. Rà soát thống kê, xác định trên hệ thống quốc lộ còn trên 738 cầu yếu, đang lập dự án cải tạo, sửa chữa 379 cầu, gia cường các cầu yếu còn lại để đảm bảo an toàn giao thông.

Đó là chưa kể hàng ngàn tỷ đồng cho việc khôi phục các tuyến quốc lộ bị hư hại do bão lũ, đặc biệt các tuyến quốc lộ qua miền Trung, Tây Nguyên: quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, quốc lộ 12, quốc lộ 49 bị hư hại nặng do bão số 9, số 11 vừa qua...

Trước thực trạng đó, việc cần có một quỹ bảo trì đường bộ đã được đề cập đến từ lâu, nhưng phải đến khi có Luật Giao thông đường bộ 2009, vấn đề này mới lần đầu tiên được chính thức được nghiên cứu cụ thể.

Đại diện Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết hiện quỹ vẫn đang trong thời gian xây dựng. Theo dự kiến, giai đoạn đầu, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ sẽ có một số nguồn thu, gồm phí đối với phương tiện giao thông cơ giới thu qua xăng dầu và thu theo đầu xe mô tô, xe máy đăng ký mới, phí lưu hành xe ô tô, phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (quảng cáo ven đường, phí bến bãi...).

Cũng theo tính toán của Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, mỗi năm các trạm thu phí trên toàn quốc thực hiện thu khoảng 1.000 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu bảo trì đường bộ.