09:09 19/12/2013

9 giải pháp giám sát tài chính của Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Anh Minh

Ông Vương Đình Huệ: “Nguồn vốn phải được dịch chuyển vào những nơi hoạt động có hiệu quả”

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã đề xuất 9 nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác giám sát, quản lý tài chính.

Theo ông Huệ, các nhóm giải pháp “cần thực hiện đồng bộ”, bao gồm: (1) Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; (2) Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; (3) Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; (4) Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; (5) Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; (6) Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; (7) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; (8) Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; (9) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

“Thị trường vốn là một kênh rất quan trọng để huy động mọi nguồn vốn của xã hội cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn phải được dịch chuyển vào những nơi hoạt động có hiệu quả, nhất là khu vực kinh tế “thực”, kinh tế “xanh”, theo sự dẫn dắt của những tín hiệu tốt trên thị trường, không bị biến dạng do các quyết định hành chính”, ông nói.

“Cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn cơ bản của Việt Nam và kinh nghiệm các nước thì khâu đột phá là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực và nguồn vốn cho phát triển, đặc biệt là phân bổ lần đầu. Cho dù sự phân bổ thuộc về Nhà nước thì cũng phải tôn trọng khách quan các nguyên tắc của thị trường, coi trọng các tín hiệu chỉ dẫn của thị trường”, ông nói thêm.

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính trong quá trình tái cấu trúc, theo ông Huệ, Nhà nước cần đảm bảo cho thị trường tài chính vận hành ổn định, công khai và minh bạch theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường đầy đủ, được giám sát, đánh giá theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng giảm số lượng, hình thành một số lượng hợp lý các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô lớn, có mô hình tổ chức và chế độ quản trị hiện đại, hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao.

Vị lãnh đạo từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề xuất rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hệ thống tài chính - ngân hàng thông qua các cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập (thanh tra, kiểm toán), sự giám sát của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng như của chính các tổ chức tài chính, tín dụng bằng các công cụ kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ.

Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định là phải “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ, các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính nhằm tạo khả năng chống đỡ được những cú sốc từ bên ngoài để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.