10:32 28/10/2010

ASEANBIS 2010: Cần hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hương Chi

Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ASEAN nhưng lại chưa nhận được những hỗ trợ đầy đủ và thiết thực

Hội nghị có sự tham dự của đại diện 10 nền kinh tế ASEAN và 7 đối tác lớn của khối, cùng hơn 500 doanh nghiệp
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 10 nền kinh tế ASEAN và 7 đối tác lớn của khối, cùng hơn 500 doanh nghiệp
Hội nghị  Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN 2010 (ASEANBIS) từ ngày 26-28/10/2010 tại Hà Nội đã nêu lên yêu cầu bức thiết về các chính sách hỗ trợ thực tế hơn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, hội nghị do Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, hội nghị có sự góp mặt của đại diện 10 nền kinh tế trong khu vực, 7 đối tác lớn của ASEAN là Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và Nga. Bên cạnh đó là sự tham gia của 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hoạt động bên lề Hội nghị Cao cấp ASEAN 17 diễn ra từ ngày 28-30/10/2010.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sự trưởng thành của ASEAN có sự đóng góp quan trọng từ kết quả hình thành các khuôn khổ liên kết kinh tế ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hoà cao về các quy tắc thương mại quốc gia và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN.

Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp có sự góp mặt khoảng 500.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 97% là doanh nghiệp  vừa và nhỏ. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp khoảng 30% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức bán lẻ, 64% tổng lượng vận chuyển hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa một số ngành hàng thủ công mỹ nghệ…

Tuy giữ vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thực doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, khó khăn về công nghệ, nhân lực, thông tin….

Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp các quốc gia thành viên ASEAN đều chung quan điểm cho rằng phải tạo điều kiện tốt hơn cho khối doanh nghiệp này tiếp cận các chính sách hỗ trợ của mỗi chính phủ.

Ông Atonio Sayo, Chủ tịch Ủy ban An toàn lương thực, Phòng Thương mại và Công nghiệp Philipin đề xuất: Điểm mấu chốt trong việc phát triển kinh tế tư nhân là phải tạo được môi trường pháp lý bình đẳng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải được tạo điều kiện tiếp cận tài chính và thị trường từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất. Sự trao đổi và đối thoại được tăng cường cũng sẽ tạo sự tổng hòa trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Về khía cạnh tiếp cận thị trường, cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm thị trường mới. Tính hiệu quả của liên kết khu vực sẽ tác động đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có cùng quan điểm, ông Chu Tiam Wee, Chủ tịch ASEAN-BAC Malaysia, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp vừa và nhỏ đề xuất là cần gỡ bỏ dần hàng rào thuế quan, tiêu chuẩn hóa hệ thống ngân hàng, nâng cao sự kết nối về hạ tầng, giúp thúc đẩy dòng chảy thương mại. Bên cạnh đó, cần nới lỏng quy định liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, thời hạn cư trú của lao động đi làm việc tại các nước trong khu vực ASEAN. Tăng cường tổ chức các triển lãm, các buổi đối thoại, sử dụng cổng thương mại chung của các nước ASEAN…. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần từ bỏ đặc trưng có sẵn để hướng tới một thị trường chung với những quy chuẩn chung, qua thị trường chung hướng đến thị trường quốc tế.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam cần tập trung nâng cao dịch vụ công, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cấp đường, cầu, cảng, kết nối các vùng miền trong nước cũng như trong các quốc gia ASEAN tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực. Chính phủ cũng cần đưa ra thông điệp rõ ràng thông qua cơ chế công tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực điện để có điện giá rẻ cho sản xuất, nhiều nước trong khu vực điện phục vụ cho sản xuất còn đắt.

Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường đầu tư, có chương trình lớn về cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ bớt thủ tục không cần thiết. Hỗ trợ cải cách dịch vụ công và cải thiện cơ sở hạ tầng là động lực phát triển kinh tế ASEAN. Việc được tiếp cận về vốn, thông tin… các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần một môi trường pháp lý, chính sách công bằng.

Đại diện Việt Nam cũng cho biết Chính phủ đang chuẩn bị đề án thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nguồn vốn sẽ từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính trong và  ngoài nước,  các tổ chức quốc tế. “Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ là điểm quan trọng để phát triển kinh tế khu vực, như vậy doanh nghiệp tham gia vào thị trường ASEAN chắc chắn sẽ phát triển bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao”, ông Hùng khẳng định.

Thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các quốc gia đối tác, các thành viên đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu tư trong và ngoài khối ASEAN. Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) lần thứ ba cho 8 doanh nghiệp (4 tập đoàn lớn và 4 đại diện của khu vực kinh tế vừa và nhỏ) tại tiệc tối Gala Dinner của hội nghị.