09:00 25/02/2011

Ba điều “dứt khoát” của Thủ tướng

Lê Châu

Thủ tướng đầy ưu tư và lo lắng khi kết thúc cuộc họp ngày 24/2 giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương

Một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát đang phi mã, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, đó chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ - Ảnh: VnExpress.
Một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát đang phi mã, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, đó chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ - Ảnh: VnExpress.
Thủ tướng đầy ưu tư và lo lắng khi kết thúc cuộc họp ngày 24/2 giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, về một số giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát.

Ông nói: “CPI hai tháng đầu năm đã tăng đến 3,79% rồi, đe dọa lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đời sống người dân. Nếu không tập trung kiềm chế lạm phát sẽ gây ra hậu quả tiêu cực...”.

Một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát đang phi mã, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, đó chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ. Lãnh đạo các địa phương cũng như các thành viên Chính phủ nghe ông nhắc đến 3 lần từ “dứt khoát” khi kết luận về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Dứt khoát không để tỷ giá thả nổi. Dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp pháp luật thế này. Dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”.

Sau khi phát đi mệnh lệnh “dứt khoát không để tỷ giá thả nổi”, Thủ tướng động viên Ngân hàng Nhà nước: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này và trên thực tế năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn song chúng ta đã làm được”. Ông lưu ý Ngân hàng Nhà nước, cần tận dụng tất cả các nguồn lực để kiểm soát được tỷ giá theo quy định.

Với mệnh lệnh thứ hai “dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hoá bất chấp pháp luật”, Thủ tướng không giấu được sự giận dữ của mình khi nói: “Không một đất nước nào như đất nước chúng ta, có khi mua thịt cũng lại tính bằng... “đô”. Quy định pháp luật cũng đã có đầy đủ rồi, tại sao chúng ta không thể quản lý nghiêm được?”.

Ông yêu cầu Bộ Công an phải cùng với Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn tình trạng này bởi điều đó, không chỉ là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát càng trở nên bất trị mà nghiêm trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của đất nước.

Với mệnh lệnh thứ ba “dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”, Thủ tướng hỏi: “Lúc đất nước khó khăn thế này mà còn găm giữ ngoại tệ thì là thế nào?”, và yêu cầu Văn phòng Chính phủ cần sớm soạn thảo ra một nghị quyết riêng của Chính phủ dành cho vấn đề này.

Phân tích các vấn  đề liên quan đến giá điện, giá xăng vì sao phải tăng, người đứng đầu Chính phủ nói khá ngắn gọn, rằng nếu không điều chỉnh thì nền kinh tế “méo mó quá”.

Chẳng hạn như với việc tăng giá điện, Thủ tướng giải thích: “Năm vừa rồi, chúng ta xuất khẩu thép được 1 tỷ USD. Nhìn qua thì nghĩ đó là một thành tích phấn khởi lắm vì có vẻ như nước ta đã là một nước công nghiệp, xuất khẩu được cả thép thu được về từng ấy ngoại tệ. Nhưng thực ra là những nhà đầu tư nước ngoài đến thành lập nhà máy thép ở Việt Nam họ cũng khôn ngoan lắm! Họ nhập phôi thép từ nước ngoài về Việt Nam rồi tranh thủ giá điện rẻ của chúng ta để sản xuất thép xuất đi...”.