18:05 07/12/2011

Ba “ông lớn” năng lượng giãi bày với Chính phủ

Anh Quân

Không phải vô cớ, ba “ông lớn” về năng lượng được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ định phát biểu đầu tiên tại buổi làm việc sáng 7/12

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm việc với Bộ Công Thương - Ảnh: Anh Quân.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm việc với Bộ Công Thương - Ảnh: Anh Quân.
Ngày 7/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có buổi làm việc với Bộ Công Thương, mà trọng tâm là vấn đề năng lượng trong giai đoạn tới.

Không phải vô cớ, ba “ông lớn” về năng lượng được Phó thủ tướng chỉ định phát biểu đầu tiên, mở màn cho phần lấy ý kiến vào nhiệm vụ phát triển ngành công thương giai đoạn 2011-2015.

“Thánh thức lớn nhất trong vòng 5 năm tới là vấn đề năng lượng”, Phó thủ tướng nói. Góc nhìn của ông cũng được các tập đoàn về năng lượng làm rõ qua các con số và đánh giá cụ thể.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Vũ Mạnh Hùng cho biết, theo dự kiến, đến năm 2015 ngành này sẽ sản xuất và tiêu thụ tối thiểu 55 triệu tấn than, từ mức khoảng 45 triệu tấn trong dự kiến năm tới.

Nhưng quy định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới đây đang “khép cửa” với các hoạt động thăm dò của tập đoàn này. Hai mũi nhọn nhiệm vụ trong giai đoạn tới là mở thêm mỏ mới để tăng năng lực sản xuất, và tập trung vào sản xuất điện có thể bị ảnh hưởng. Ông Hùng chuyển kiến nghị lên đại diện Chính phủ tại cuộc họp.

Với dầu khí, dù cho rằng các mục tiêu giai đoạn 5 năm mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) đã nhận với Chính phủ không có vấn đề gì quá quan ngại, nhưng Phó tổng giám đốc Vũ Quang Nam cũng cho biết, để đạt được kế hoạch năm 2012 ở mức 15,81 triệu tấn dầu, doanh nghiệp này sẽ phải khai thác ở nước ngoài khoảng 1,1 triệu tấn.

“Trong năm 2012, tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi thăm dò khai thác, cố gắng tăng trữ lượng và đầu tư ra nước ngoài như Nga và một số nước khác để đảm bảo làm thế nào sang năm khai thác ở nước ngoài được 1,1 triệu tấn”, ông Nam cho biết.

Nhưng khó khăn với dầu khí, với than không chỉ giới hạn ở góc độ sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Liên quan lớn hơn đến phát triển công nghiệp và xa hơn là cả nền kinh tế, trong giai đoạn tới đáng chú ý là vấn đề điện.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2011 điện tiêu dùng nội địa chỉ tăng 9,34%. Nếu so với giai đoạn trước luôn ở mức 12-14%, con số mà ông Thanh đưa ra thấp hơn rất nhiều.

Tổng giám đốc EVN tính toán rằng, nếu chia cho GDP năm nay tăng khoảng 5,8% thì lần đầu tiên Việt Nam đạt hệ số đàn hồi về điện là 1,62 lần, thấp hơn nhiều so với khoảng 2,1 lần ở giai đoạn trước.

Nhưng kể cả dùng hệ số thấp này áp vào năm tới, EVN cho rằng để đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% thì ngành điện phải đạt tốc độ tăng sản lượng khoảng 11,72%, tức là đạt khoảng 121,7 tỷ kWh điện.

“Chúng tôi đã cân đối các phương án, đảm bảo cung cấp điện cho năm 2012. Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho năm 2012 có một trục trặc nhỏ về cung ứng khí”, Tổng giám đốc Thanh cho hay.

Theo phương án đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN cần 6,6 tỷ m3 khí để cung ứng điện cho năm tới. Nhưng hiện nay, theo thông báo từ Petro Vietnam, doanh nghiệp này sẽ chỉ được đáp ứng 5,71 tỷ m3, tức thiếu khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương phải phát bù dầu 4,2 tỷ kWh điện.

Đối với kế hoạch 5 năm 2011-2015, EVN dự kiến với GDP tăng từ 6,5-7%, RVN sẽ có hai phương án tăng trưởng điện tương ứng là 13% và 15%.

Với phương án 13%, đến 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, tập đoàn này có thể cân đối được về điện, tuy nhiên hệ thống điện đảm bảo dự phòng ở miền Bắc và miền Trung, nhưng miền Nam thì thiếu.

“Chúng tôi đang tìm mọi nỗ lực truyền tải điện miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Hiện có 9 dự án đang triển khai, gồm 3 dự án nguồn và 6 dự án lưới điện”, ông Thanh cho biết.

Còn với phương án 15%, theo ông Thanh, tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Cụ thể là EVN sẽ phải phát dầu và hệ thống điện dự phòng hoàn toàn thiếu ở phía Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lương Văn Kết tham gia thêm ý kiến, giai đoạn 2012-2015 theo kế hoạch sẽ phải nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm; còn theo sơ đồ điện 7, tiến tới cũng phải nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện…

Tóm lược các vấn đề ba tập đoàn năng lượng nêu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, dầu thô hiện cũng thiếu, khai thác nước ngoài sang năm là 1,1 triệu tấn; than cũng thiếu; điện cũng thiếu…

“Giai đoạn 2011 - 2015 và cả tiếp theo nữa, cân bằng năng lượng là thách thức luôn luôn đi cùng đất nước chúng ta”, Phó thủ tướng nói. “Tốc độ này là thiếu điện. Bây giờ, điện cũng là một câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài…”. Phó thủ tướng lưu ý thêm, nhìn vào tốc độ đổi mới công nghệ, vào suất tiêu thụ năng lượng vẫn còn quá cao, cho thấy tiêu thụ điện hiện còn rất phí phạm.