17:19 12/04/2010

Băn khoăn tài chính công đoàn

Nguyên Bình

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), chiều 12/4

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 7 ngày.
Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 7 ngày.
Chiều 12/4, tiếp tục phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Một trong số đó là thiếu cơ chế bảo đảm thi hành quyền công đoàn trong các lĩnh vực: thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn. Tính hiệu lực, thống nhất và sự ổn định về kinh phí hoạt động công đoàn không cao.

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn, song Ủy ban Pháp luật  của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự luật - còn băn khoăn về nhiều vấn đề, trong đó có tài chính công đoàn.

Dự thảo luật quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tính trên quỹ tiền lương thực trả cho người lao động.

Ủy ban Pháp luật đặt ra hàng loạt câu hỏi: vì sao mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2%  tổng quỹ lương; mức đóng góp đó nếu thu đủ thì tổng thu được bao nhiêu, có bảo đảm đủ chi phí cho hoạt động công đoàn không. Khoản tiền để đóng kinh phí công đoàn là khoản chi gì, thuế thì không phải, vì các doanh nghiệp đã nộp thuế.

Mặt khác, cũng cần làm rõ tại sao hiện nay các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam thu 2% tổng quỹ lương; còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu 1%? cơ sở pháp lý của khoản thu này là gì, có phù hợp không, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của ủy ban này, đối với đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì việc trích nộp 2% quỹ tiền lương cho quỹ công đoàn thực chất là ngân sách nhà nước phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nộp cho công đoàn. Do vậy, nếu phân bổ thông qua đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước về quy trình lập dự toán ngân sách nhà nước.

Còn đối với đơn vị không sử dụng quỹ lương từ ngân sách nhà nước thì việc phải nộp 2% quỹ lương cho công đoàn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, mặt khác không xác định rõ việc nộp khoản kinh phí này cho công đoàn để làm nghĩa vụ gì và từ đó có thể dẫn đến “rào cản” đối với việc thành lập và hoạt động của công đoàn.

Hơn nữa, xét về tổng thể các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta thì không bảo đảm sự bình đẳng. Bởi vì, ngoài khoản kinh phí được ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội khác không có khoản thu như công đoàn. Một vấn đề khác cần được làm rõ, đó là khi Luật Ngân sách nhà nước đã quy định bảo đảm kinh phí cho công đoàn hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc phải tính đúng, tính đủ. Vì vậy, có cần phải đặt ra những khoản thu này hay không?.

Để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước cũng như sự bình đẳng của các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị luật này chỉ quy định kinh phí hoạt động của công đoàn do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; trường hợp cần doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho công đoàn thì chỉ đóng góp cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp một khoản kinh phí đủ cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp hoạt động; khoản kinh phí này có thể trích từ lợi nhuận sau thuế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận trình bày ý kiến của Ủy ban Pháp luật.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết,  quá trình soạn thảo dự án luật, có ý kiến cho rằng trách nhiệm nộp kinh phí công đoàn 2% chỉ nên quy định đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn và tính lại mức trích nộp với mức trần thấp hơn cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và thực tiễn hoạt động của Công đoàn; mức cụ thể giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị vẫn giữ quy định như dự thảo Luật, vì quy định này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lý luận, pháp lý và tổng kết thực tiễn 19 năm thi hành Luật Công đoàn năm 1990. Theo đó, công đoàn không chỉ đại diện, bảo vệ đoàn viên công đoàn mà tất cả người lao động, kể cả người lao động ở những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn.

Nguồn thu kinh phí công đoàn gắn với nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp đã được pháp luật của nhà nước quy định mang tính lịch sử từ Luật Công đoàn năm 1957 đến Luật Công đoàn năm 1990. Và trên thực tế đang phát huy tác dụng và hiệu quả to lớn trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn tổ chức hoạt động.

Liên quan đến băn khoăn của cơ quan thẩm tra , dành khá nhiều thời gian phân tích và viện dẫn các văn bản pháp luật, ông Tùng khẳng định quy định về tài chính công đoàn tại dự thảo luật "hoàn toàn không trái Luật Ngân sách”.

Bên cạnh vấn đề tài chính, một băn khoăn khác cũng được nêu ra tại phần thảo luận là Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động có liên quan mật thiết với nhau. Song, Chính phủ đã chính thức xin lùi thời gian trình Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Công đoàn nên tiến hành đồng thời với sửa Bộ luật Lao động.