12:19 07/04/2015

Bao nhiêu tiền bằng một ngày tù?

Nguyễn Lê

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án luật có nhiều điểm mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án luật có nhiều điểm mới.
Bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Đây là câu hỏi được Ủy ban Tư pháp đặt ra khi thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Sáng 7/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này. Chỉ giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều, phạm vi sửa đổi của bộ luật này là rất lớn và ý kiến còn đang rất khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Thu hẹp hình phạt tử hình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án luật có nhiều điểm mới. Như phi tội phạm hóa đối với các tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự thảo luật cũng tội phạm hóa đối với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế: vi phạm quy định về sử dụng điện; làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Đặc biệt, dự thảo bộ luật đã bổ sung một tội danh liên quan đến vấn đề cạnh tranh nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định, ông Cường cho biết.

Đáng chú ý, dự luật quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể là áp dụng với người phạm tội thuộc một trong các đối tượng là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.

Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành, dự án luật bổ sung thêm hai đối tượng không áp dụng hình phạt  tử hình.

Một là, người từ 70 tuổi trở lên. Hai là, người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ai có quyền đổi tiền thành tù?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành với quy định chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù. Bởi quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, việc chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù là chuyển sang một loại hình phạt khác nặng hơn, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa dự kiến được tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Mối quan hệ giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự (khi chuyển đổi tiền thành tù), cơ quan nào có thẩm quyền chuyển đổi, trình tự, thủ tục ra sao? Ông Hiện nêu hàng loạt câu hỏi từ cơ quan thẩm tra.

Liên quan đến quy định thu hẹp áp dụng hình phạt tử hình, cơ quan thẩm tra vẫn còn ý kiến khác với ban soạn thảo dự án luật.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng cần cân nhắc rất kỹ quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình, Chủ nhiệm Hiện nhấn mạnh.