06:17 14/08/2015

Bị giáng chức, cách chức có thể kiện ra tòa

Nguyễn Lê

Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 13/8

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng giải quyết khiếu kiện buộc thôi việc thì được, chứ giáng chức, cách chức thì không nên.<br>
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng giải quyết khiếu kiện buộc thôi việc thì được, chứ giáng chức, cách chức thì không nên.<br>
Tòa án có thẩm quyền giải quyết “khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”.

Đây là nội dung mới được thể hiện tại dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 13/8.

Tòa can thiệp quá sâu?

Theo quy định tại dự thảo luật thì quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân.

Thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn có loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính, kể cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, nếu quy định tòa án có thẩm quyền xử lý tất cả các quyết định mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức ảnh hưởng đến quyền của người lao động (như: quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng cán bộ…) sẽ dẫn đến tình trạng tòa án nhân dân can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính và gây cản trở đến việc quản lý và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các khiếu nại hành chính cho thấy, trong số các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, có một số quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đã được pháp luật quy định như: quyết định kỷ luật công chức bằng các hình thức giáng chức, cách chức, hạ bậc lương.

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng loại quyết định hành chính này cũng thuộc đối tượng khiếu kiện trước tòa án tương tự như quyết định kỷ luật buộc thôi việc, và đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung quy định tại điều 32 của dự thảo luật, tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết “khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”.

“Giải quyết khiếu kiện buộc thôi việc thì được, chứ giáng chức, cách chức thì không nên vì thuộc phạm vi hành chính”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý.

Người đứng đầu bị kiện chỉ được ủy quyền cấp phó

Bên cạnh vấn đề nêu trên, quy định về người đại diện cũng được mổ xẻ. Người bị kiện phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia vụ án, không được uỷ quyền cho người khác từng là ý kiến của không ít vị đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo luật.

Ủy ban Tư pháp lập luận, theo quy định tại khoản 8 điều 49 của Luật Tố tụng hành chính hiện hành thì đương sự có quyền ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, trong tố tụng hành chính thì người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Trong quá trình tố tụng, người bị kiện có quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, dừng hoặc khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.

Quyền này chỉ có thể do chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thực hiện mới có hiệu quả, bảo đảm khắc phục nhanh chóng những sai sót của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
 
Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính cho thấy, nhiều trường hợp người bị kiện chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng nên mang tính hình thức, gây nhiều trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vì người được ủy quyền không có đủ thẩm quyền quyết định về những vấn đề mới phát sinh tại tòa án. 

Để khắc phục được những hạn chế hiện nay, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp thu theo hướng quy định trong dự thảo luật là: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.