17:07 21/05/2012

Bỏ phiếu tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm?

Nguyễn Lê

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong luật hiện hành

Thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội cũng là nội dung được tranh luận khi góp ý cho đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội cũng là nội dung được tranh luận khi góp ý cho đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được trình tại phiên họp chiều 21/5, vẫn có ý kiến tại Ủy ban Pháp luật băn khoăn về bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quá trình góp ý cho đề án trước thềm kỳ họp, đây cũng là nội dung được bàn thảo sôi nổi với sự đồng thuận cao về chủ trương song còn băn khoăn về cách thức thực hiện.

Tại đề án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất "tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4".

Như vậy, so với nội dung được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hội nghị trực tuyến với 63 đoàn đại biểu, quy định bỏ phiếu "hằng năm", và "kết quả bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được công bố công khai, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức" đã không còn xuất hiện.

Tán thành với nội dung đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm của đề án để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 84 của Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Pháp luật đồng ý giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”, bởi vì bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội…

Vấn đề mới đặt ra là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có nêu chủ trương “lấy phiếu tín nhiệm” đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Lý nhấn mạnh.

Trước kỳ họp, góp ý cho đề án, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm không phải là "đổi mới" mà thực ra chỉ bàn để đưa ra thực hiện một việc đã được luật hóa lâu rồi nhưng chưa thực hiện. Vì vậy, lần này cần có quy trình đơn giản, khả thi để có thể thực hiện dễ dàng.

Trước khi thông qua nghị quyết về đề án vào ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận đề án tại tổ và tại hội trường.