21:48 04/06/2012

Bỏ phiếu tín nhiệm: “Thượng phương bảo kiếm” của Quốc hội

Nguyên Hà

Tranh luận nhiều chiều về bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn

Nhiều vị đại biểu lo việc bỏ phiếu tín nhiệm nếu làm hình thức, sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của dân.
Nhiều vị đại biểu lo việc bỏ phiếu tín nhiệm nếu làm hình thức, sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của dân.
Đồng tình rất cao với việc cần hiện thực hóa quy định bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, song cách thức tiến hành như thế nào để không rơi vào hình thức vẫn là băn khoăn của không ít đại biểu tại phiên thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, sáng 4/6.

 Đại biểu Lê Thị Nga so sánh, trong khi quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với 4 chức danh chủ chốt cấp xã làm tương đối nề nếp thì ở Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm 10 năm qua chưa một lần được thực hiện trên thực tế, dù đã được ghi nhận tại Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Một trong các bất cập của quy định hiện hành về căn cứ để bỏ phiếu được đại biểu Nga đề cập là để phát hiện và chứng minh được một vị bộ trưởng hay trưởng ngành có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ gây thiệt hại nghiêm trọng thì phương thức và bộ máy giám sát hiện hành của Quốc hội khó có thể kết luận được.

"Ngay cả trong trường hợp có thiệt hại nghiêm trọng thì cũng không dễ gì quy được trách nhiệm cá nhân nhất là trong tình hình hiện nay khi các quyết định quan trọng đều mang danh đã xin ý kiến ban cán sự, ý kiến tập thể trước khi cá nhân quyết định", bà Nga phát biểu.

Cũng theo phân tích của nữ đại biểu này, một vấn đề cũng rất quan trọng mang tính nguyên tắc là trong điều kiện Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu những Đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các chức danh này đều được các tổ chức có thẩm quyền của Đảng theo dõi, quản lý chặt chẽ. Như vậy ý kiến của các tổ chức có thẩm quyền của Đảng đối với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là rất quan trọng, nếu không xây dựng những văn bản rõ ràng về quy trình phối hợp giữa Đảng Đoàn Quốc hội với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong vấn đề này thì quy định về bỏ phiếu tín nhiệm khó có thể thực hiện được trên thực tế.

Đồng tình với việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nga cho rằng, cần có những căn cứ và tiêu chí rõ ràng dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chức danh theo quy định của pháp luật, dựa trên việc xác định rõ ràng trách nhiệm theo pháp luật khi có sự kiện xảy ra.

Căn cứ tiêu chí rõ ràng thì mới đảm bảo vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính, vừa tránh được việc làm cho người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt, nhất là những giải pháp đụng đến lợi ích của các nhóm dân cư. Đồng thời cũng tránh được xu hướng vì sợ ảnh hưởng đến số phiếu nên người đứng đầu chọn phương án an toàn, tránh đương đầu với những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội, vì thế không bảo vệ được quyền lợi của số đông người dân.

Về hình thức bỏ phiếu, theo đại biểu Nga cần tồn tại cả bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi có sự kiện về việc một chức danh có vi phạm. Việc bỏ phiếu định kỳ chỉ nên bắt đầu tiến hành vào thời điểm từ cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ khi đã có một khoảng thời gian cần thiết để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, đặc biệt là đối với những người mới ở lĩnh vực khác chuyển đến. Còn bỏ nhiệm tín nhiệm bất thường được tiến hành khi có sự kiện xảy ra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của chức danh khiến cho dư luận cử tri bức xúc.

"Các đối tượng cần bỏ phiếu chỉ nên là các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên, việc công khai về số phiếu tín nhiệm cao đã là hình thức khen thưởng xứng đáng đối với người đứng đầu, nếu phiếu không quá bán phải trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc cách chức", bà Nga đề nghị.

Đồng tình là chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng trở lên, song đại biểu Phùng Văn Hùng không đồng ý quan điểm tổ chức hàng năm vì phải coi đây như "thượng phương bảo kiếm" của Quốc hội, chỉ rút ra khi nào cần thiết.

Mặc dù "thượng phương bảo kiếm" chưa bao giờ được rút khỏi bao, song đại biểu Hùng đề nghị không nên vì có sự đổi mới mà rút kiếm thường xuyên. Mà mỗi kỳ họp sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối tượng nào cần được bỏ phiếu.

Cũng liên quan đến bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Nam nhìn nhận, "đường lối đổi mới của Đảng rất rõ nhưng cách làm tôi thấy vẫn như cũ như giờ bầu Thủ tướng chỉ có một người, rõ ràng không có điều kiện để các ứng viên đó trình bày chương trình hành động, trình bày những ý tưởng, những kế hoạch của mình, để rồi liên quan đến việc giám sát, liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm sau này".

Vị đại biểu này cũng "tha thiết đề nghị quyết định những vấn đề về nhân sự phải đảm bảo tuyệt đối vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng cũng phải phát huy vai trò, vị trí Quốc hội thực sự là ý Đảng, lòng dân".

Nhấn mạnh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm là công việc vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến con người, đại biểu Bùi Thị An phát biểu "tất cả mọi chủ trương của Đảng ta từ xưa đến nay rất ít khi sai, chủ yếu sai khâu thực hiện là con người".

Theo bà,  nên lấy tín nhiệm hàng năm và chỉ lấy một lần, từ chức danh từ bộ trưởng trở lên, và cần làm thực chất, tránh hình thức, ảnh hưởng đến lòng tin của dân.