06:12 16/11/2010

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn về chi phí Đại lễ

Thảo My

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn bằng văn bản về chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng thường gửi cả văn bản và trực tiếp chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng thường gửi cả văn bản và trực tiếp chất vấn.
Chiều 15/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông vừa nhận được nội dung trả lời chất vấn bằng văn bản liên quan đến số tiền chi cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và một số vấn đề về dự án đường sắt cao tốc Bắc -  Nam.

Chưa rõ thời gian báo cáo

Nội dung chất vấn liên quan đến Đại lễ được đại biểu Nguyễn Lân Dũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính là “xin Bộ trưởng xác định lại cho thông tin trên một số báo chí cho rằng chi phí cho Đại lễ lên đến 90.000 tỷ đồng. Lại có việc mua từ châu Phi 2.000 viên rubi để lắp mắt cho 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm. Trong khi đồng bào miền Trung đang bị lũ chồng lên lũ thì chi phí cho đại lễ có lãng phí quá hay không?".

Theo ông Dũng thì tại công văn số 15157, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời, kinh phí tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được thực hiện từ nhiều nguồn, gồm: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn huy động đóng góp của các cá nhân, tổ chức.

Đối với chi từ ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương trực tiếp thực hiện công việc liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch,… và hỗ trợ một số địa phương có liên quan; căn cứ vào dự toán do các bộ, ngành đề nghị và ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Thủ tướng duyệt cấp 218,4 tỷ đồng, trong đó có khoản chi lớn là lễ diễu binh, diễu hành, bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành, công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Tại công văn này, Bộ trưởng cũng nêu, các khoản chi từ ngân sách các địa phương, trong đó chủ yếu là Hà Nội, thẩm quyền quyết định chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do HĐND, UBND địa phương quyết định. Hiện Bộ Tài chính đang yêu cầu UBND Hà Nội báo cáo, địa phương đang tổng hợp, quyết toán và sẽ báo cáo sau.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho biết sẽ tiếp tục nêu vấn đề này tại phiên chất vấn trực tiếp tới đây. Vì, “Bộ Tài chính phải yêu cầu địa phương báo cáo rõ để người dân và cử tri được biết chứ không chỉ chờ báo cáo mà không biết thời hạn bao giờ sẽ có báo cáo”.

Cũng liên quan đến chi phí cho Đại lễ, từ khi kỳ họp Quốc hội thứ tám khai mạc đến nay, cả Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao, Du lịch cũng đều không đưa ra con số cụ thể nào khi trả lời đại biểu và báo chí.

Băn khoăn đường sắt cao tốc

Với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết nội dung chất vấn: “Tôi mới đi khảo sát ở Đài Loan về và thấy tàu cao tốc đi từ Đài Bắc đến Đài Nam chỉ có tôi và một cán bộ của tôi ngồi trong một toa rộng. Đại diện Văn phòng Văn hóa nước ta tại Đài Loan cho tôi biết thông tin nói đường sắt cao tốc ở Đài Loan lãi là sai, ông nói họ “lỗ chổng vó”. Đấy là một lãnh thổ mà GDP đầu người cao đến 30.000 USD…

Kiến nghị của nhiều nhà khoa học cho rằng ta nên làm đường tàu nhanh (1,4m) với hai đường song song thì Hà Nội đi Tp.HCM chỉ mất có 10 giờ, hơn nữa công nghệ do ta tự làm lấy được và kinh phí dĩ nhiên ít hơn rất nhiều so với 50 tỷ USD. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về những bức xúc nói trên?”

Ông Dũng còn hỏi thêm: Bộ trưởng nghĩ gì về sáng kiến mới đây ở Trung Quốc, sẽ thử nghiệm tại Bắc Kinh, về loại xe bus chạy hai tầng, chạy trên đường ray, hành khách ngồi toa trên, tầng dưới để trống và hai ôtô có thể chạy song song dưới xe buýt.

Tại công văn số 7726 trả lời ông Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có nêu, về thông tin khảo sát trên tàu cao tốc từ Đài Bắc đến Đài Nam, Bộ ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng và sẽ tiếp tục lưu ý các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu về đường sắt cao tốc sau này, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, Bộ trưởng còn trả lời rằng “như đã nêu trong nghiên cứu của tư vấn và trong báo cáo về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tham khảo kinh nghiệm khai thác đường sắt cao tốc trên thế giới, có thể thấy, để dự án đường sắt cao tốc khả thi về kinh tế, cần có các nguồn thu khác bổ sung cho nguồn thu từ tiền bán vé”.

Còn về việc xây dựng đường sắt đôi chạy tàu nhanh khổ đường tiêu chuẩn 1m435, Bộ trưởng trả lời,  đây chính là phương án 3 đã được trình bày trong báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ trình Quốc hội ngày 12/5/2010 về báo cáo đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, qua phân tích về ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ đã lựa chọn làm đường sắt cao tốc, đường sắt hiện có sẽ được cải tạo nâng cấp để chuyên chở hàng hóa và khách địa phương”.

 Về mô hình vận tải tại Trung Quốc như ý kiến đại biểu nêu trên, sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công, Bộ sẽ nghiên cứu học tập để xem xét khả năng áp dụng ở Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời.