14:08 15/06/2017

Bộ trưởng Giao thông nói về “suất đầu tư cao tốc đắt gấp 3-4 lần Mỹ”

Bạch Huệ

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiết lộ loạt số liệu liên quan đến suất đầu đường cao tốc tại các nước

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.
Nghị trường ngày 15/6 sôi động bởi “những câu hỏi tốt” được đưa ra chất vấn bởi các đại biểu Quốc hội. Ấn tượng nhất là chất vấn thẳng thắn của đại biểu Lê Công Hường (tỉnh Bình Định) về suất đầu tư đường cao tốc lên tới 12 triệu USD/km trong khi ở Mỹ chỉ từ 3-4 triệu USD/km, hay nước có nhiều điều kiện tương đồng như Trung Quốc cũng chỉ 5 triệu USD/km.

“Tại sao suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam lại cao gấp 3-4 lần Mỹ, gấp đôi Trung Quốc, nhiều nước khác cũng rất rẻ, trong khi chất lượng chưa tương đương. Nguồn lực đất nước có hạn, giải pháp nào để giảm suất đầu tư, thưa Bộ trưởng?”, câu hỏi được đại biểu Hường gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, song được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển sang Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trả lời.

Ông Nghĩa đã có tiết lộ đáng chú ý khi công bố loạt số liệu liên quan đến suất đầu đường cao tốc tại các nước. Theo đó, suất đầu tư đường cao tốc 6 làn xe bình quân của Việt Nam là 200 tỷ đồng/km, chưa tính giải phóng mặt bằng.

“Tuỳ vào đặc điểm từng khu vực của Việt Nam như Trung du miền núi phía Bắc, miền Trung Nam Bộ, đồng bắc Bắc Bộ và Nam Bộ mà có mức giá khác nhau, bình quân từ 7,4 triệu USD/km (trung du) - 17,2 triệu USD/km đường với khu vực Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đầu tư làm đường cao tốc phụ thuộc lớn vào địa chất và vật liệu”, ông Nghĩa minh chứng.

Bộ trưởng Nghĩa cho biết, nhìn rộng ra thế giới, suất đầu tư cao tốc 6 làn xe cũng phụ thuộc vào từng vùng khác nhau, chẳng hạn ở Đức có giá 10,9 triệu USD/km, Áo là 16,7 triệu USD/km, Bồ Đào Nha 11,9 triệu USD/km, Mỹ từ 12,8 - 40,8 triệu USD/km, Trung Quốc dao động ở mức 10,5 -13,6 triệu USD/km.

Tại Việt Nam, dự toán kinh phí xây dựng cao tốc Bắc - Nam là khoảng 9,5 triệu USD/km.

Về đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng cho biết con số dự kiến 50 tỷ USD là theo ý kiến tư vấn của Nhật Bản. Hiện Chính phủ đang xin chủ trương của Quốc hội về đầu tư, và nội dung báo cáo sẽ được trình bày trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 năm 2018.

Nhiều đại biểu chất vấn về một số các dự án giao thông bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thẳng thắn xin sự chia sẻ với ngành.

“Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trong trung hạn đã được phê duyệt lên tới 925.000 tỷ đồng trong khi đến nay mới đáp ứng được khoảng 31%, thiếu rất trầm trọng. Chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ có cơ chế bố trí vốn dự phòng cho giao thông. Hạ tầng giao thông là ngành phải đi trước, tạo động lực cho phát triển ngành kinh tế khác, vì vậy nhu cầu đầu tư rất cấp bách”, Bộ trưởng Nghĩa cho hay.