10:26 09/12/2013

Bộ trưởng và ấn tượng nghị trường 2013

Nguyên Thảo

Nhiều thành viên Chính phủ đương nhiệm đã đi gần hết nửa nhiệm kỳ của mình với “áp lực” không hề nhỏ từ cơ quan đại diện cho dân

14/22 vị bộ trưởng đang giữ vai trò đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp.
14/22 vị bộ trưởng đang giữ vai trò đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp.
“Các bác nhìn Bộ trưởng Y tế có khổ không? Rất là đau khổ, buồn rười rượi”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội trong buổi tiếp xúc ngày 7/12, sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu.

Được đưa ra sau khi cử tri thể hiện bức xúc trước sự nhức nhối về y đức thời gian gần đây, nhận xét của Tổng bí thư cũng có thể hiểu là sự cảm thông với tư lệnh ngành y tế, khi theo ông thì “có nhiều cái nằm ngoài tính toán, những việc rất đau đầu không đáng có”.

Đau đầu, đó không chỉ là “đặc sản” của các thành viên Chính phủ mà còn của cả các vị đại diện cho dân khi phải thể hiện chính kiến qua những phát ngôn và hành động liên quan đến các nhà điều hành, đặc biệt là ở năm 2013 này - năm đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với nhiều chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Với đặc thù của Việt Nam thì các thành viên Chính phủ, trong đó có nhiều bộ trưởng đồng thời là đại biểu là việc hết sức bình thường.

Hiện tại, Thủ tướng cùng 4/5 phó thủ tướng và 14/22 vị bộ trưởng đều đang giữ vai trò đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp.

Chỉ có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng thanh tra Chính phủ cùng bộ trưởng các bộ Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, và tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là không có số ghế chính thức tại nghị trường.

Nhưng dù có hay không là nghị sỹ, thì đa số các thành viên Chính phủ luôn là nhân vật trung tâm của các phiên thảo luận và chất vấn ở mỗi kỳ họp Quốc hội. Tất nhiên độ nóng của từng “ghế nóng” còn phụ thuộc rất nhiều vào thực tiễn cuộc sống, mà nói như Tổng bí thư, là “có nhiều cái nằm ngoài tính toán”.

Ở kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa rồi, việc thủy điện xả lũ khiến cho bức xúc tràn ngập nghị trường ngay từ phiên chất vấn đầu tiên, hay chỉ trước phiên khai mạc hai ngày thì sự việc chấn động dư luận là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác phi tang nạn nhân đến giải phẩu thẩm mỹ và bị chết ở thẩm mỹ viện… đúng là không thể nằm trong tính toán của Bộ trưởng Bộ Công Thương hay Bộ Y tế.

Song, đó lại là hệ quả của những bất cập trong quản lý ở các lĩnh vực đã nóng từ nhiệm kỳ Quốc hội trước: thủy điện và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nên dù trách nhiệm không chỉ và không hoàn toàn thuộc về hai vị bộ trưởng đương nhiệm, nhưng cả cử tri và đại biểu đều có quyền đòi hòi một ứng xử đúng tầm của hai vị và của cả Quốc hội với những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.

Bởi thế, đại biểu Ngô Văn Minh đã nói thẳng là ông “không hiểu Bộ trưởng nói gì”, khi nghe người đứng đầu ngành công thương phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về thủy điện, rằng:  “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công Thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.

“Không hiểu” là vì đại biểu Minh và nhiều vị đại biểu khác cho rằng, từ Quốc hội khóa 12 câu hỏi ai phảichịu trách nhiệm về sự yếu kém trong quy hoạch thủy điện và hệ lụy của nó đã được đặt ra rất rất nhiều lần, song vẫn chưa thể có nổi một câu trả lời cho thỏa đáng.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học còn “đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”. Vì theo ông Học, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không những đã không ban hành chính sách dành cho đồng bào nghèo tái định cư thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội mà còn có đổ trách nhiệm cho bộ khác.

Bộ trưởng Hoàng vì bận đi công tác nước ngoài nên không có mặt trong lúc đó. Và đề nghị của đại biểu Học cũng không có hồi âm ở các phiên họp công khai. Bởi vậy câu chuyện về trách nhiệm liên quan đến thủy điện chắc chắn chưa thể dừng ở đấy.

Không nóng  trong chất vấn trực tiếp song được nhắc đến rất nhiều ở nhiều phiên thảo luận là các vụ bê bối ở ngành y và “đòi” Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn.

Một vị đại biểu miền Trung cho đến ngày bế mạc kỳ họp vẫn tâm tư, bởi khi ông “chất vấn” một vị có trách nhiệm rằng tại sao không chọn tư lệnh ngành y tế đăng đàn, thì nhận được câu trả lời rằng “sợ đại biểu truy nhiều quá, Bộ trưởng sẽ… khóc”.

Theo cảm nhận của báo chí thì có lẽ nữ Bộ trưởng cũng không đến nỗi quá ủy mị đến vậy. Nhiều lần, nhiều phóng viên đã đề nghị bà trả lời về trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế sau vụ bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân động trời, nhưng bà đều rất kiên quyết từ chối và chỉ trả lời sau khi nhận được tới khoảng 50 câu hỏi từ nhiều tờ báo.

Chất vấn của một số vị đại biểu về trách nhiệm của Bộ, của cá nhân Bộ trưởng trước nhiều “sự cố” liên tiếp xảy ra trong ngành y, một số vị đại biểu cũng khá thất vọng khi nhận được câu trả lời giống nhau là “cho dù sai sót xảy ra ở đâu, cấp nào thì Bộ Y tế và cá nhân Bộ trưởng Y tế cũng có một phần trách nhiệm”.

Ấn tượng nghị trường 2013 tất nhiên không chỉ đậm đặc ở hai vị bộ trưởng Công Thương và Y tế. Hơn hai năm kể từ ngày được Quốc hội khóa 13 phê chuẩn, nhiều thành viên Chính phủ đương nhiệm đã đi gần hết nửa nhiệm kỳ của mình với “áp lực” không hề nhỏ từ cơ quan đại diện cho dân.

Nếu nghị trường cả mấy kỳ họp đầu nhiệm kỳ đều “nổi sóng” với các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của vị tư lệnh ngành giao thông với việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, cùng hàng loạt chính sách không ngừng gây tranh cãi về các khoản thu liên quan đến giao thông thì đến kỳ họp vừa qua một số vị đại biểu đã không ngần ngại khen Bộ trưởng Đinh La Thăng mạnh tay cắt giảm khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình dự án.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình, người từng được đại biểu nhận xét “dường như Thống đốc trình bày theo logic của Thống đốc, chứ không theo logic của cuộc sống” trước cái nóng hừng hực của vàng, của nợ xấu, nay đã không còn là tâm điểm của chất vấn. Luôn có mặt trong tư cách khách mời, ông không chờ đại biểu gửi văn bản mà hồi âm ngay khi các phát biểu có đề cập đến lĩnh vực ông đang phụ trách. Trong nhận xét của nhiều vị đại diện cho dân, ông là người nói được, làm được, dù cách đây chỉ nửa năm, Thống đốc là người nhận được số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, một trong số không nhiều thành viên Chính phủ được trên 200 phiếu tín nhiệm cao, đến kỳ họp vừa qua vẫn tiếp tục nhận được nhiều thiện cảm của khá nhiều vị đại biểu bởi những lời nói thẳng. Khi ông cảnh báo, nếu Việt Nam không đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, sẽ tụt hậu xa so với khu vực, thậm chí tụt hậu so với Campuchia, Lào.

Bên hành lang, ông Vinh cũng từng nói với VnEconomy rằng, ông nhiều lần bị “phê” là thẳng quá, nhưng là đại biểu, ông có trách nhiệm nói thật, ít nhất là với cử tri của mình.