10:59 25/08/2017

BOT, BT sai phạm nghìn tỷ, Tp.HCM khẳng định không thất thoát

Xuân Thái

Không làm thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm trong các dự án BOT, BT, lãnh đạo Tp.HCM phản hồi

6 dự án sai phạm bao gồm: cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp
 Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 
2; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.<br>
6 dự án sai phạm bao gồm: cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.<br>
Lãnh đạo Tp.HCM khẳng định không làm thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm trong các dự án BOT, BT theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Chánh văn phòng UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho biết như vậy tại cuộc họp báo ngày 23/8 liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của các dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT, BT, trong đó có Tp.HCM.

Thanh tra Chính phủ nói có sai phạm

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện 6 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Tp.HCM.

6 dự án bao gồm: cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc, dự án xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2, đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Báo cáo của UBND Tp.HCM cho biết, từ năm 2010 đến tháng 6/2015, trên địa bàn có 13 dự án BOT và BT được triển khai với tổng giá trị gần 33.000 tỷ đồng của 8 nhà đầu tư. 5 dự án trong lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức vốn gần 26.000 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND Tp.HCM đã không xây dựng, thực hiện không đầy đủ việc công bố danh mục các dự án BOT để kêu gọi đầu tư hoặc công bố chậm; cũng như thực hiện việc chỉ định thầu không đúng quy định pháp luật.

Ví dụ cụ thể, tại dự án BOT cầu Phú Mỹ, UBND Tp.HCM đã chỉ định thầu Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư dù đơn vị này chưa có phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn. Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, UBND Tp.HCM không thực hiện việc xây dựng công bố danh mục kêu gọi đầu tư và đấu thầu rộng rãi mà giao luôn cho công ty trên thực hiện dự án.

Tương tự, tại dựa ns BOT nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc. Quá trình thực hiện, nhà đầu tư IDICO đã đề xuất bổ sung xây dựng 2 nút giao thông và lắp đặt dải phân cách làn xe cơ giới và thô sơ với tổng mức đầu tư hơn 704 tỷ đồng. Thay vì bổ sung dự án vào danh mục và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, UBND Tp.HCM đã chỉ định luôn IDICO làm nhà đầu tư.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trong quá trình thực hiện các dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thiếu trách nhiệm nên nhiều hợp đồng chưa đủ trình tự thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định.

Những vi phạm này thuộc trách nhiệm của UBND Tp.HCM, Thanh tra Chính phủ kết luận, trực tiếp là Sở Giao thông Vận tải và tổ công tác liên ngành thực hiện việc đàm phán, ký kết hợp đồng chưa đảm bảo chặt chẽ. Số tiền sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra là 2.172 tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố nói không thất thoát

Trả lời báo giới về các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, Chánh văn phòng UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, Tp.HCM đang đô thị hóa một cách mạnh mẽ, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức như ùn tắc giao thông, ngập nước...

Trước yêu cầu phát triển lớn nhưng lại thiếu vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Tp.HCM phải tìm vốn từ nhiều nguồn, trong đó triển khai thực hiện các dự án BOT, BT. Những vấn đề liên quan đến các dự án BOT, BT, thành phố đều chủ động xin ý kiến Hội đồng nhân tân thành phố, từ chủ trương đầu tư đến phương thức, thời gian thanh toán, giá phí thu hàng ngày, nơi đặt trạm thu phí. Quan điểm là làm ở đâu sẽ đặt trạm ở đó. Lúc đó đã nghĩ đến chuyện quy hoạch các trạm thu phí vào Tp.HCM.

Ông Hoan nói: “Quá trình thực hiện các dự án BOT, BT không làm thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đồng tình những dự án BOT, BT có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của thành phố. Thanh tra Chính phủ chỉ nêu số tiền sai phạm chứ không đề cập vấn đề thất thoát ngân sách”. Cũng theo ông Hoan, lãnh đạo UBND Tp.HCM tiếp thu kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ triển khai ngay các giải pháp khắc phục, trong đó trọng tâm là thanh toán, quyết toán. Tp.HCM cũng sẽ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về đầu tư BOT, BT.

Trả lời báo chí trước đó một ngày (ngày 22/8), ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM nhấn mạnh, không thể phủ nhận tính hiệu quả của các dự án BOT và BT, qua thời gian dài đã phát huy hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, nhiều văn bản luật thay đổi, vì vậy cần phải rà soát lại mới có thể đánh giá cụ thể kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại 6 dự án trên địa bàn Tp.HCM.