10:59 09/08/2016

“Bước tiến dài trong quan hệ chiến lược Việt - Pháp”

Hồng Nhung

Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ thăm Việt Nam vào tháng 9 tới

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier.
“Bất kể là gì, Pháp cũng muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam và phát triển thêm các hoạt động chung khác của cả hai nước”, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier nói với VnEconomy khi trao đổi về lịch trình chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Holldande.

Thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược

Được biết, Tổng thống Pháp Francois Holldande sắp có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Ông có thể xác nhận thời điểm chuyến thăm này không?

Tổng thống Pháp Francois Hollande chắc chắn sẽ thăm Việt Nam vào tháng 9 tới. Qua các chuyến thăm của các Tổng thống F. Mitterand năm 1993 và Tổng thống J. Chirac năm 1997, chuyến thăm cấp nguyên thủ lần này sẽ đánh dấu một bước tiến dài trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Vậy mục đích của chuyến đi này là gì, thưa ông?

Trước tiên, chuyến đi này sẽ tạo cơ hội để thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Đây sẽ là thời điểm đặc biệt để thảo luận về các vấn đề trong khu vực cũng như mối quan hệ song phương giữa hai nước, tăng cường sự hợp tác trong văn hóa, chính trị cũng như kinh tế.

Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt trong những năm qua. Đất nước đã trở nên hưng thịnh hơn, nhu cầu của Việt Nam đã thay đổi so với 20 năm trước. Những lĩnh vực như phát triển đô thị, tăng trưởng bền vững, cải tiến trong công nghệ, dịch vụ,… là những mặt mà chúng tôi có thể giúp đỡ Việt Nam rất nhiều.

Dự kiến Tổng thống Pháp và các lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận những vấn đề gì?

Pháp mong muốn sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ với đối tác Việt Nam. Mong muốn này đã được cụ thể hóa bằng việc Việt Nam hoan nghênh đối với những đóng góp của chúng tôi trong nhiều lĩnh vực.

Về mặt kinh tế, Pháp muốn tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn và giúp đỡ các doanh nghiệp Pháp tại đây. Chúng tôi cũng đang cung cấp những gói hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam. Cụ thể, Pháp đang đóng góp một nửa trong tổng số tiền đầu tư tuyến số 3 của dự án tàu cao tốc trên cao của Hà Nội.

Truyền thống và văn hóa của Pháp có mặt trên toàn thế giới. Chúng tôi mong muốn có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Viện Quốc gia Pháp tại Tp.HCM.

Chuyến viếng thăm này sẽ là một cơ hội để thảo luận về những thay đổi trong khu vực trong những năm qua, bao gồm những thách thức liên quan đến tình hình bảo an, quốc phòng và hiện tượng biến đổi khí hậu.

Bất kể là gì, Pháp cũng muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam và phát triển thêm các hoạt động chung khác của cả hai nước.

Ký nhiều hợp đồng, thỏa thuận thương mại

Liệu sẽ có thỏa thuận thương mại nào được ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm này không, thưa ông?

Sẽ có rất nhiều hợp đồng và thỏa thuận thương mại được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp lần này tại Việt Nam. Chuyến thăm cấp nguyên thủ này là một cơ hội tốt cho cả 2 nước trong việc thắt chặt và đẩy mạnh hơn mối quan hệ song phương, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Cụ thể, về mặt kinh tế, việc ký kết các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu hoặc phát triển đô thị sẽ được thúc đẩy qua chuyến thăm này.

Chúng tôi chân thành mong muốn những doanh nghiệp nổi tiếng của Pháp sẽ có thể tạo ra những dấu ấn sâu đậm hơn tại thị trường Việt Nam.

Được biết, Pháp có thể sẽ công bố một gói hỗ trợ cho Việt Nam trong việc trùng tu cầu Long Biên. Cụ thể, sự hỗ trợ này là gì vậy, thưa ông?

Đối với chúng tôi, cầu Long Biên tượng trưng cho lịch sử và là một di sản văn hóa có giá trị to lớn. Pháp đang đồng hành cùng Việt Nam trong việc bảo quản những di tích lịch sử nói chung và sự phát triển đô thị của Hà Nội nói riêng.

Cụ thể, Pháp đã và đang đầu tư vào việc trùng tu và bảo quản những di tích lịch sử tại Hà Nội. Song song với đó là những nỗ lực của chúng tôi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Hà Nội bao gồm trợ giúp kinh tế cũng như tài chính vào công trình xây dựng tuyến số 3 thuộc dự án tàu điện ngầm Hà Nội.

Pháp sẽ mong đợi gì từ Việt Nam trong bối cảnh EU bị chia rẽ vì sự kiện Brexit, đặc biệt là trong mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước?

Đối với vấn đề Brexit, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương với Việt Nam. Pháp là quốc gia có số vốn đầu tư lớn thứ 3 trong các nước EU tại Việt Nam và chúng tôi mong muốn các công ty Pháp sẽ tiếp tục phát triển tại đây.

Trong năm vừa qua, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được những kết quả trọng yếu trong việc đàm phán hiệp định FTA.

Chúng tôi có mục tiêu để sớm đưa hiệp định này đi vào hiện thực và hy vọng các công ty thuộc EU sẽ sớm được hưởng lợi từ việc bãi bỏ thuế quan cùng với luật lệ thương mại sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Quan hệ song phương với Việt Nam sẽ chắc chắn bùng nổ qua FTA này. Tuy có những nghi vấn về sự bất ổn của EU đối với các cuộc khủng hoảng dân nhập cư, khủng hoảng tài chính của Hy Lạp, Brexit nhưng tôi mong rằng Brexit sẽ không được nhắc đến như lý do cho sự chia rẽ của EU.

Những quốc gia EU khác vẫn quyết tâm đạt được thỏa thuận bãi bỏ thuế quan này. Chúng tôi mong muốn Việt Nam cũng sẽ tiếp tục mở rộng cánh cửa đối với những nhà đầu tư nước ngoài, kể cả khi việc Brexit sẽ diễn ra.

Liệu có những hoạt động ngoài lề gì tại Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp không và nếu có thì những hoạt động này là gì thưa ông?


Chuyến thăm nguyên thủ này sẽ được tiếp nối với hội nghị hợp tác lần thứ 10 giữa Pháp và Việt Nam tại Cần Thơ (từ ngày 14 đến 16 tháng 9/2016). Những đại diện địa phương của hai nước sẽ có cơ hội trao đổi những góc nhìn và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực và hợp tác trong các dự án có tính đột phá. Nhiều vấn đề sẽ được thảo luận như sự hợp tác kinh tế và du lịch, giáo dục và y tế, biến đổi khí hậu và nông nghiệp.