08:50 16/11/2015

Các bộ trưởng khối kinh tế đã thực hiện lời hứa thế nào?

Nguyên Vũ

Tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng còn hạn chế gì, “phá băng” bất động sản ra sao

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng còn hạn chế gì, “phá băng” bất động sản ra sao… đều đã được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội “cân đong” qua cả nhiệm kỳ của các vị bộ trưởng khối ngành kinh tế.

Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 16/1 tại Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các báo cáo từ Chính phủ với từng ngành, lĩnh vực.

Với lĩnh vực kế hoạch – đầu tư, yêu cầu được Quốc hội đưa ra là tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ cấu đầu tư công; quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.

Ghi nhận từ các cơ quan thẩm tra là Chính phủ đã chỉ đạo xử lý đồng bộ các vấn đề về cơ chế chính sách, phân cấp quản lý, huy động nguồn lực, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn và giải quyết các bất cập, yếu kém, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu đầu tư công.

Việc này đã  tạo cơ sở và nền tảng cho sự phát triển và cạnh tranh bình đẳng của các chủ thể đầu tư kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài; từng bước thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu đầu tư công.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 nhưng cho tới ngày 31/7/2015, các nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành.
 
Văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhưng chưa bao quát đủ các tình huống để giải quyết cho doanh nghiệp (liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xã hội, con dấu của doanh nghiệp...), giá trị pháp lý không cao.

Sự chậm trễ này đã dẫn đến việc thực hiện gặp một số khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và người thực thi công vụ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, cơ quan thẩm tra thẳng thắn nhìn nhận.

Với yêu cầu chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản cơ quan thẩm tra nhắc đến việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm trong việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã đề cập đến trách nhiệm của 6 bộ và 46 địa phương nhưng lưu ý là cần đầy đủ hơn.

Mặt khác, Chính phủ cũng chưa nêu rõ về trách nhiệm cá nhân đối với các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, theo cơ quan thẩm tra.

Chuyển qua lĩnh vực ngân hàng, cơ quan chuyên trách của Quốc hội nhìn nhận, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch.

Song, báo cáo thẩm tra nêu rõ, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định.

Ngân hàng nhà nước cũng được đánh giá là đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường; phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nhưng cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ và ngành ngân hàng cần rút ra những bài học về phản ứng của thị trường trước những thay đổi chính sách tiền tệ và bám sát hơn nữa để phát huy tối đa vai trò của mình.

Đối với ngành xây dựng, một trong những yêu cầu từ cơ quan lập pháp là tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội.

Dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Ngành xây dựng còn được ghi nhận đã nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản với nhiều quan điểm, tư tưởng đổi mới, tác động tích cực đến thị trường bất động sản và nhà ở.

Từ chính sách tích cực, sau một thời gian đóng băng, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013, trong năm 2014 và 2015 tiếp tục đà hồi phục tích cực.

Biểu  hiện cụ thể là giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho bất động sản giảm dần; dự nợ tín dụng bất động sản có sự tăng trưởng.

Kết quả thực hiện yêu cầu sau chất vấn của ngành xây dựng còn được thể hiện qua đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình; tăng cường quản lý chất lượng các công trình trọng điểm, công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình có quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.

Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, phòng ngừa được nhiều sai phạm, rủi ro về chất lượng công trình. Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm tra thiết kế vào khoảng 9,28% trong năm 2013 và khoảng 5,39% trong năm 2014; tỷ lệ sự cố chất lượng công trình xây dựng năm 2014 cũng đã giảm so với 2013.

Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường bất động sản mới giải quyết được bước đầu, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị có nơi còn thiếu quyết liệt, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.

Đề nghị được đưa ra với Chính phủ là cần nghiên cứu sớm xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực xã hội, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...