16:42 23/12/2013

Các mục tiêu quan trọng trong năm 2014 của Chính phủ

Song Hà

Tăng trưởng GDP ở mức 5,8%, bội chi ngân sách 5,3% và CPI ở mức khoảng 7%

GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao
 hơn mức tăng 5,25% của năm 2012.
GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012.
Trong năm 2014 tới, Chính phủ đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8%, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.

Theo dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại phiên họp Chính phủ sáng 23/12, ngoài hai chỉ tiêu quan trọng trên, năm tới Chính phủ cũng đặt mục tiêu bội chi ngân sách nhà nước 5,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP.

Một số chỉ tiêu về xã hội cũng được đặt ra theo hướng cải thiện hơn so với năm 2013, như tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%...

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành theo hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế...

Cùng với đó là rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; Không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.

Đặc biệt Bộ Tài chính không được ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch, rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trong quý 2/2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương có nhiệm vụ rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét, quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả cao hơn.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 tình hình triển khai thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó phải rà soát, đánh giá, bổ sung và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phù hợp đối với thị trường bất động sản. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành.

Trước đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý 1 tăng 4,76%, quý 2 tăng 5,00%,quý 3 tăng 5,54%, quý 4 tăng 6,04%. Mức tăng trưởng này được đánh giá là “thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi”.