16:41 20/08/2013

Cải cách hành chính “không hy vọng có đột phá”

Từ Nguyên

Vì sao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Đình Cung: “Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tôi hy vọng có được 
một kết quả nào đó có thể nhìn thấy được, chứ không hy vọng có đột phá”.
Ông Nguyễn Đình Cung: “Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tôi hy vọng có được một kết quả nào đó có thể nhìn thấy được, chứ không hy vọng có đột phá”.
“Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, nếu dựa vào bộ máy hành chính để tiến hành cải cách thủ tục hành chính thì sẽ khó mà có đột phá được”.

Phát biểu khá thẳng thắn trên được TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại buổi hội thảo “giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư” do VCCI và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tổ chức sáng 20/8.

Theo ông Cung, hệ thống thủ tục hành chính hiện nay dù đã được “cải cách” khá nhiều nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, phần lớn những người trực tiếp tham gia cải cách thủ tục hành chính vẫn chỉ mang tính hình thức, hô hào, đặc biệt là khái niệm “đột phá” được sử dụng quá nhiều.

“Muốn đột phá thì các nhà chuyên môn phải nói được với lãnh đạo cấp trên thế nào là đột phá, phải có thay đổi về chất, cái sau phải khác biệt cái trước, và đặc biệt là phải cảm nhận và đo lường được chứ”, ông Cũng nói.

Theo thống kê của vị chuyên gia này, số lượng những luật, thủ tục hành chính mang tính đột phá trong nhiều năm trở lại đây vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Luật Doanh nghiệp năm 2000, Khoán 10, Nghị quyết 11…

Đặc biệt, theo ông, trong cải cách thủ tục hành chính, không phải lúc nào và ở đâu mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều có thể được hưởng lợi. Trên bình diện chung, khi cải cách thủ tục hành chính thì phần lớn doanh nghiệp, người dân sẽ có lợi, song chính việc cải cách này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số không ít người đang thực thi công vụ, thực thi các thủ tục hành chính. Do đó, có thể xuất hiện những sự chống đối, cản trở quá trình cải cách.

“Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tôi hy vọng có được một kết quả nào đó có thể nhìn thấy được, chứ không hy vọng có đột phá”, ông Cung nói.

Cũng tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra thông tin đáng quan ngại khi gần đây, tại nhiều địa phương, bộ ngành đã và đang có tình trạng “tái xuất” giấy phép con. Ông khẳng định, tuy không phủ nhận nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, song hệ thống văn bản, quy định hiện nay vẫn chồng chéo, rườm rà; mỗi một địa phương thì có một quy định riêng về thủ tục cấp phép đầu tư. Sau nhiều năm mở cửa, thủ tục vẫn luôn là một rào cản lớn trong thu hút đầu tư của Việt Nam.

“Nếu so sánh với các nước trong khu vực, môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng giảm, chúng ta đang có thứ hạng khá khiêm tốn trong danh sách ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lộc phát biểu.

Khẳng định thêm sự chồng chéo của thủ tục hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều thủ tục nếu chỉ nhìn trong phạm vi ngành mình thì thấy thông suốt, trôi chảy. Tuy nhiên, nếu đứng ở doanh nghiệp, người dân hoặc từ bên ngoài nhìn vào mới thấy những thủ tục này như một ma trận.

Cuộc điều tra, khảo sát trên 8.000 doanh nghiệp của VCCI trong năm 2012 cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn than phiền về các thủ tục thuế, cấp phép đầu tư, thủ tục đất đai…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, nhiều thống kê về thủ tục hành chính hiện nay vẫn là lý thuyết. Chẳng hạn như việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án, theo kết quả điều tra chỉ 60 ngày, song thực tế dự án của doanh nghiệp này không bao giờ có được thời hạn như trên.

“Có một dự án bất động sản của chúng tôi có tốc độ kỷ lục về cấp phép, thủ tục đầu tư là 14 tháng”, ông Hiệp nói.

Một chi tiết của doanh nhân này nêu ra cũng đáng để quan tâm, đó là ngay tại hội thảo về cải cách thủ tục hành chính nhưng “không thấy bóng dáng của một cơ quan quản lý, bộ ngành nào”, trong khi đây mới chính là đối tượng có quyền quyết định các thủ tục hành chính.

Có cùng bức xúc, ông Nguyễn Hồng Khoái, đại diện một doanh nghiệp nói: “Dự án của anh Hiệp 14 tháng mới xong là quá tốt rồi, chúng tôi có dự án từ năm 2007 đến nay vẫn chưa được giải quyết xong”.