15:19 20/10/2016

Cần 480 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế 4 năm tới

Nguyên Vũ

Có khả năng sử dụng một số nguồn lực Nhà nước để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Trình Quốc hội kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguồn lực dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỷ đồng theo giá thực tế, tương đương khoảng 480 tỷ USD.

Trong một số ít trường hợp, có khả năng sử dụng một số nguồn lực Nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Dũng trình bày.

Tái cơ cấu 2011 - 2015 chưa đạt mục tiêu

Đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ cho rằng quá trình này đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, nhưng còn không ít hạn chế.

Hạn chế rất rõ là mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện. Tái cơ cấu kinh tế chưa tác động đáng kể đến thay đổi mô hình tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng, mở rộng quy mô, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra, theo đánh giá của Chính phủ là việc thực hiện ba trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng.

Bộ trưởng Dũng điểm qua những hạn chế trong cả ba lĩnh vực, như tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công còn phức tạp, hiệu quả đầu tư còn thấp so với yêu cầu.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa gắn chặt với tái cơ cấu và đa dạng hóa sở hữu, do vậy chưa tạo ra các thay đổi đủ lớn về phạm vi hoạt động, chất lượng quản trị cũng như hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vai trò trực tiếp kinh doanh của Nhà nước vẫn còn rất lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là ngân hàng thương mại còn nhiều vướng mắc như sự thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm chạp, vai trò của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, chưa đủ lớn, một số yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các tổ chức tín dụng chưa được giải quyết cơ bản, nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng chưa được giải quyết một cách thực chất.

Chưa xử lý dứt điểm một số các ngân hàng thương mại rất yếu kém, đã có dấu hiệu phá sản.

5 nội dung, 10 nhiệm vụ

Trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ xác định 5 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế Nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.

Ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.

Bốn, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Trong 10 nhiệm vụ ưu tiên, xếp thứ nhất là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Và nhiệm vụ ưu tiên thứ 10 là bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả.